Dân vùng cao tiết lộ bí quyết bón phân cây sơn tra quả sai lúc lỉu

Anh Giàng A Chinh (sinh năm 1979, dân tộc Mông, ở bản Nậm Lộng, xã Hang Chú, Bắc Yên, Sơn La) được biết đến là người sở hữu rừng sơn tra (táo mèo) lớn nhất huyện Bắc Yên, với diện tích rộng hơn 40ha.Tiếp sức cho những cánh rừng sơn tra vươn lên xanh tốt đó có dấu ấn không nhỏ của phân bón Lâm Thao.

Bén duyên với sơn tra

Nậm Lộng được biết là vùng đất cằn cỗi, quanh năm mây mù bao phủ. Gia đình anh Giàng A Chinh đã biến những dãy đồi cỏ dại thành những cánh rừng sơn tra xanh ngút ngàn, mang đến cuộc sống ấm no cho gia đình anh và bà con dân bản.

Thời gian gần đây, nhờ áp dụng kỹ thuật vào thâm canh, chăm sóc sơn tra, năm nào gia đình anh Chinh cũng bội thu từ cây trồng này. Với kinh nghiệm gần chục năm trồng táo sơn tra, anh Chinh chia sẻ: Để giúp cây sinh trưởng tốt, sai quả, tôi thường sử dụng phân bón Lâm Thao để tăng cường hàm lượng dinh dưỡng, kích thích cho cây phát triển. Thực tế cho thấy phân Lâm Thao có tác dụng rất tốt, phù hợp với một số loại cây ăn quả trồng trên đất dốc, trong đó có sơn tra vì nhiều dinh dưỡng, bền màu.

 dan vung cao tiet lo bi quyet bon phan cay son tra qua sai luc liu hinh anh 1

Mùa thu hoạch gia đình anh Giàng A Chinh cũng lãi 300 – 400 triệu. Ảnh: Q.Đ

Anh Chinh kể, năm 2011, anh được chính quyền xã giao khoán bảo vệ 9ha rừng táo sơn tra tự nhiên cổ thụ. Táo Nậm Lộng thơm ngon hơn táo vùng khác nên đem xuống chợ bao nhiêu, khách cũng mua hết. Thấy việc bán táo kiếm ra tiền, năm 2014, anh nghĩ cách trồng thêm. Đến mùa, anh cùng vợ con lên núi nhặt những quả táo rừng chín vàng về tách lấy hạt ươm táo giống. Sau đó, anh thuê bà con dân bản lên núi phát dọn cỏ dại, đào hốc trồng táo. Sau 2 - 3 năm, rừng táo sơn tra của anh mỗi lúc càng rộng, trải dài khắp các sườn đồi ở Nậm Lộng.

Theo anh Chinh, táo sơn tra tuy là cây rừng, nhưng muốn sai quả, thu hoạch được bền lâu thì cũng phải chăm sóc cẩn thận, quan trọng nhất là cần bón phân hợp lý để giúp cây có đủ chất dinh dưỡng, lớn nhanh. “Nhiều năm nay tôi đã lựa chọn phân NPK Lâm Thao bón cho táo vì loại phân này phù hợp với địa hình đất dốc, ít bị rửa trôi. Bón phân phải đúng thời điểm, bởi táo sơn tra có đặc tính riêng không giống như các loại cây trồng khác, không được bón quá nhiều dễ làm cây chết. Khi bón phải đào đất quang gốc rộng chừng 20cm, rắc phân đều xung quanh gốc, phủ lên phía trên bề mặt và chú ý không được lấp đất. Nếu lấp đất ủ phân sẽ làm tăng nhiệt độ trong đất, dễ làm tổn thương phần rễ của cây. Thông thường mỗi gốc chỉ nên bón từ 2 - 3 gram và bón sau thời gian trồng một tháng cho rễ bám chắc” - anh Chinh chia sẻ.

Học cách làm giàu của anh Chinh, nhiều bà con người Mông ở bản Nậm Lộng đã bắt đầu trồng táo, khoanh nuôi bảo vệ rừng táo tự nhiên, áp dụng kỹ thuật sử dụng phân bón Lâm Thao trong sản xuất. Đến nay, mỗi nhà đều có 5 - 6ha táo sơn tra, nhà ít thì 1 - 2ha, thu nhập mỗi năm hàng chục triệu đồng.

Với diện tích hơn 40ha táo sơn tra, mỗi năm anh Chinh sử dụng khoảng 2 - 3 tấn phân NPK Lâm Thao. Và với diện tích này, anh Chinh là người sở hữu diện tích rừng sơn tra lớn nhất huyện Bắc Yên, mỗi năm cho hàng chục tấn quả. Sau mỗi mùa thu hoạch táo sơn tra, gia đình anh bỏ túi từ 300 - 400 triệu đồng.

Quyết tâm vượt khó

Nậm Lộng cách xa trung tâm xã hơn 30km, cách huyện gần 100km đường đất gồ ghề nhiều đoạn gấp khúc, vắt vẻo qua núi, mùa mưa lầy lội, mùa khô bụi mù, phải đi mất gần nửa ngày mới đến được trung tâm xã. Trước đây, gia đình anh Chinh chỉ trồng ngô, trồng lúa trên nương, làm ra ăn không hết muốn đem đi bán lấy tiền cũng khó vì đường xa xôi cách trở. Cuộc sống nghèo khó ấy luôn thúc giục anh Chinh phải tìm lối thoát, thay đổi cuộc sống của gia đình mình. Năm 18 tuổi, sau khi lấy vợ anh mới bắt đầu đi học chữ, với suy nghĩ quyết chí thay đổi số phận. Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình khó khăn, gánh nặng cơm áo đặt lên đôi vai khiến con đường học bị ngắt quãng liên tục, anh phải bỏ về nhà chăm lo kinh tế gia đình. Trong khi đó, lại có một số bà con rủ rê di cư vào Tây Nguyên. Họ nói rằng ở đó đất đai màu mỡ, bằng phẳng dễ làm ăn, người Mông ở đó ai cũng có cuộc sống no đủ sung sướng. Nhiều gia đình người Mông trong bản Nậm Lộng đã rời nhà cửa, bỏ lại ruộng nương đi mãi vào tận Tây Nguyên tìm kế sinh nhai.

Anh Chinh nghĩ bụng: “Người ta vào đó sống sung sướng, việc gì mình phải ở lại cái bản Nậm Lộng này làm gì cho khổ”. Nghĩ vậy, anh Chinh cũng khăn gói lên đường đi hàng nghìn cây số vào Tây Nguyên xem thực hư cuộc sống thế nào, rồi sẽ đón cả gia đình vào định cư. Tới nơi, thấy cảnh khác lạ không như lời kể mà anh từng mường tượng về một tương lai tươi sáng, trái lại là cảnh túng thiếu, đói nghèo, nhà cửa xiêu vẹo. “Chính vì thế, tôi từ bỏ ý nghĩ, quay trở về quê hương quyết tâm thay đổi cuộc sống bằng trồng cây sơn tra” - anh Chinh tâm sự.

Sau những tháng ngày lặn lội buôn táo, được giao lưu và tiếp xúc với nhiều người nên anh Chinh dần nhận ra tiềm năng dồi dào của vùng đất mình đang sống, rất hợp với trồng táo sơn tra, đất rộng, khí hậu mát lạnh quanh năm. Với nhiều nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ, thành quả đang dần mỉm cười với gia đình anh Chinh khi khắp các triền đồi đều phủ kín màu xanh của rừng táo sơn tra.

Theo Quốc Định/danviet.vn
http://danviet.vn/nong-thon-moi/dan-vung-cao-tiet-lo-bi-quyet-bon-phan-cay-son-tra-qua-sai-luc-liu-988446.html