Dâu tây phát triển tốt trong nhà lưới hở

Nhà lưới hở ở đây được lắp đặt với chiều cao 2,2m, trong đó 0,8m là chiều cao của bồn đựng giá thể phối trộn xơ dừa và 1,4m là chiều cao của phần mái vòm; bốn mặt nhà lưới đều để trống (hở) để lưu thông không khí...
Với 100 triệu đồng nguồn vốn tài trợ từ tỉnh Đông Flander (Vương quốc Bỉ), Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa Đà Lạt đã trồng, chăm sóc thực nghiệm giống dâu tây Mỹ Thơm và giống dâu tây Newzealand trên diện tích 100m2 nhà lưới hở.

Nhà lưới hở ở đây được lắp đặt với chiều cao 2,2m, trong đó 0,8m là chiều cao của bồn đựng giá thể phối trộn xơ dừa và 1,4m là chiều cao của phần mái vòm; bốn mặt nhà lưới đều để trống (hở) để lưu thông không khí, tạo sự quang hợp hiệu quả nhất cho cây dâu. Toàn bộ hệ thống tưới nước, bón phân của nhà lưới theo công nghệ tưới nhỏ giọt tự động.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Kết quả từ tháng 3.2014 đến nay, trên 8 luống dâu đạt tỷ lệ cây sống gần như 100%; tỷ lệ dâu ra hoa, đậu trái bói khá nhiều sau 20 - 30 ngày trồng; đặc biệt đã giảm khoảng 50% lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng phòng trừ loài nhện đỏ, một loài côn trùng thường gây hại nghiêm trọng đối với cây dâu.

Thạc sĩ Cao Đình Dũng cho biết thêm, trong tuần đầu tháng 6.2014, trên 8 luống dâu tây nhà lưới hở sẽ thu hoạch trái chín, ước tính năng suất cao hơn so với cây dâu trồng trên đất ngoài trời từ 10 - 15%.

Dự kiến mô hình này đi vào chuyển giao rộng rãi cho nông dân Đà Lạt trong những tháng cuối năm 2014.
Theo danviet.vn