Đầu tư cho vùng dân tộc, đất nghèo Xuân Lộc thành làng quê trù phú
- Thứ sáu - 06/12/2019 19:06
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hộ nghèo giảm nhanh
Ấp Bình Hòa (xã Xuân Phú) có trên 30% dân số là đồng bào dân tộc Châu Ro. Nguồn thu nhập chính của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Trước đây bà con chỉ trồng 1 vụ lúa trong năm, nhưng từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), bà con được tham gia các lớp hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, chăm sóc cây, con, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nên giờ đây bà con đã biết thâm canh 2 - 3 vụ lúa/năm, năng suất lao động tăng lên, vì vậy thu nhập ngày càng được cải thiện.
Nhiều công trình, trụ sở làm việc ở xã Xuân Phú được xây dựng khang trang. Ảnh: Trang Thảo
Già làng Hùng Văn Xứng, người dân tộc Châu Ro ở ấp Bình Hòa cho biết, những năm gần đây số hộ nghèo trong ấp giảm nhanh, giờ chỉ còn vài hộ cận nghèo. Không chỉ kinh tế được cải thiện mà đời sống văn hóa của bà con dân tộc Châu Ro ở Bình Hòa cũng được nâng cao. Theo già làng Xứng, trước đây kinh tế khó khăn, chưa có nhà văn hóa, các lễ hội của đồng bào chỉ làm ở quy mô nhỏ lẻ hoặc diễn ra trong gia đình.
Nhưng từ năm 2004, khi được Đảng và Nhà nước đầu tư xây dựng nhà văn hóa, nơi đây đã trở thành nhà lưu giữ những tư liệu, hình ảnh quý về ấp Bình Hòa, là nơi bà con tổ chức sinh hoạt, hội họp, diễn ra các ngày lễ lớn của dân tộc trong năm.
Điều đáng mừng là công tác giáo dục cho các thế hệ măng non ở Bình Hòa ngày càng được chú trọng. Thầy giáo Tằng Vảy Sồi - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Huệ cho biết: Trước đây, việc vận động trẻ em đến trường rất khó khăn, nhưng giờ đây nhận thức của bà con dân tộc được nâng lên, việc vận động trẻ em đến trường đúng độ tuổi cũng thuận lợi hơn. Hiện, tỷ lệ học sinh con em bà con dân tộc Châu Ro trong độ tuổi đến trường đã đạt 100%, không có học sinh bỏ học.
Mặc dù Xuân Phú là xã có nhiều đồng bào có đạo, nhiều người dân tộc thiểu số, nhưng dường như không có sự khác biệt đáng kể nào về cảnh quan giữa các xóm, ấp. Trụ sở Đảng ủy xã, Hội đồng nhân dân và Uỷ ban Nhân dân xã, trường học, trạm y tế... được bố trí dọc hai bên quốc lộ. Những con đường trải bê tông phẳng phiu, rộng rãi tỏa về các ấp với những ngôi nhà xây kiên cố, lưới điện, trang trại trồng rau sạch có hệ thống tưới phun sương... đã biến nơi đây thành một vùng quê trù phú.
Nhiều giải pháp nâng cao đời sống vùng dân tộc
Trưởng phòng Dân tộc huyện Xuân Lộc Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, Xuân Lộc hiện có 24 dân tộc thiểu số với trên 20.000 người (chiếm tỷ lệ 8,03% dân số toàn huyện). Trong đó, có trên 9.300 người dân tộc thiểu số là đoàn viên, hội viên các tổ chức đoàn thể, hội quần chúng. Có 174 đồng bào dân tộc thiểu số là đảng viên đang sinh hoạt tại các chi bộ.
Những năm qua, các cộng đồng người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã đóng góp chung vào việc hoàn thành và vượt các mục tiêu xây dựng quê hương như: có 97,8% khu, ấp và trên 99% hộ gia đình trong toàn huyện được công nhận văn hóa; tích cực hỗ trợ nhau thoát nghèo, chăm lo học hành cho con..., góp phần đưa Xuân Lộc trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Đồng Nai.
Từ một vùng kinh tế khó khăn với những phong tục truyền thống có phần lạc hậu, làng Chăm ở xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc đang đổi thay từng ngày nhờ những chính sách hỗ trợ đặc biệt của Nhà nước.
Công nhân đang xử lý trứng tại Trang trại gà Thanh Đức ở xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc. Ảnh: B.Nguyên
Được biết, làng Chăm ở ấp 4 có hơn 2.200 nhân khẩu, là làng Chăm lớn nhất tỉnh Đồng Nai với hơn 90% đồng bào dân tộc Chăm của tỉnh tập trung sinh sống tại đây. Những năm trước đây, người làng Chăm thường sống cuộc sống khép kín, chỉ quan hệ với nhau trong bản làng. Hủ tục này khiến đời sống của đồng bào Chăm gặp không ít khó khăn. Chưa kể, kinh tế của làng chỉ phụ thuộc vào canh tác 2 vụ lúa nước nên cuộc sống càng thêm vất vả, tỷ lệ hộ nghèo cao.
Những năm gần đây, được sự tuyên truyền, hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, người dân làng Chăm đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, đời sống kinh tế được nâng lên rõ rệt.
Gia đình ông Abtukholick có hơn 1 ha đất canh tác, nhưng suốt nhiều năm trời, mảnh đất này không giúp đời sống của gia đình ông thoát cảnh đói nghèo luẩn quẩn. Cách đây 4 năm, được sự động viên, hỗ trợ của chính quyền địa phương, ông Abtukholick đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện. Với số tiền này trong tay, ông chuyển sang chăn nuôi bò và chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trồng lúa sang cây thanh long ruột đỏ.
Nhờ chăm chỉ lao động, nên vườn thanh long luôn tươi tốt cho năng suất cao, mỗi năm mang thu nhập về cho gia đình ông hơn 400 triệu đồng. Từ một hộ nghèo, nay ông Abtukholick đã là một nông dân sản xuất giỏi.
Ông Abdohamit, Trưởng ban giao cả Thánh đường Hồi giáo làng Chăm, xã Xuân Hưng chia sẻ: "Nhờ Đảng, nhà nước quan tâm hỗ trợ nên kinh tế làng Chăm khấm khá lên rất nhiều, có đường, điện, trường học, con cái chúng tôi được học hành đầy đủ. Hơn nữa có nhiều công ty xí nghiệp về đây nên con em chúng tôi có việc làm ổn định, các gia đình ngày càng phát triển".
Cùng với đầu tư thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, huyện Xuân Lộc đã có nhiều giải pháp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con đồng bào dân tộc trên địa bàn. Với việc triển khai các Chương trình 134, 135, các vùng dân tộc trên địa bàn đã mang một diện mạo mới: nhà ở, đường giao thông nông thôn, hệ thống nước sạch sinh hoạt… được đầu tư, nâng cấp. Đến nay, 100% các tuyến đường giao thông nông thôn đã được bê tông hóa, 100% hộ dân có điện sản xuất và nước sạch sinh hoạt…
Trong giai đoạn 2010-2018, tốc độ gia tăng giá trị sản xuất ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản của huyện Xuân Lộc đạt 4-5%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 7,69% năm 2008 xuống còn 0,85% vào năm 2018.
“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”http://danviet.vn/nha-nong/dau-tu-cho-vung-dan-toc-dat-ngheo-xuan-loc-thanh-lang-que-tru-phu-1039032.html