Đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm

6 tháng đầu năm 2015 ghi nhận bức tranh rất sáng sủa của ngành thú y với những thành tích tốt trong công tác phòng chống, giảm thiểu dịch bệnh trên cả gia súc, gia cầm và thủy sản.
2 năm qua, ngành thú y không để phát sinh các dịch bệnh

2 năm qua, ngành thú y không để phát sinh các dịch bệnh

Ê hề vacxin dự phòng
Cục Thú y đã tổ chức hội nghị sơ kết việc thực hiện nhiệm vụ trong 6 tháng đầu năm 2015. Theo báo cáo, trong công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, đáng mừng nhất là vẫn là kết quả khống chế dịch tai xanh. Từ giữa tháng 7/2013 đến nay, ngành thú y không để phát sinh các ổ dịch.
Dịch bệnh LMLM cũng bó hẹp cả về diện và mức thiệt hại, khi số xã mắc dịch giảm từ 48 xã (6 tháng đầu năm 2014) xuống chỉ còn 11 xã (tức giảm 4 lần). Kéo theo đó, số gia súc mắc bệnh giảm 4 lần, chỉ còn 602 con.
So với cùng kỳ năm 2014, trong 6 tháng đầu năm 2015, các ổ dịch cúm gia cầm H5N1 và H5N6 chỉ xuất hiện ở 10 xã (bằng 6,5%), số gia cầm chết và buộc phải tiêu hủy khoảng 8.100 con (chỉ bằng 3,8%).
Việc phòng chống dịch bệnh trên thủy sản cũng đạt được những kết quả rất khả quan. Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của các tỉnh bị thiệt hại khoảng 18.000 ha, giảm 59% diện tích thiệt hại so với cùng kỳ năm 2014. Riêng đối với tôm, mặc dù tổng diện tích thả nuôi trong 6 tháng đầu năm nay cao hơn cùng kỳ năm 2014 nhưng tổng diện tích bị thiệt hại lại giảm một nửa.
Một trong những nguyên nhân khiến tôm bị bệnh và thiệt hại là do các tháng 4, 5 thời tiết nắng nóng kéo dài, cộng thêm những biến động thời tiết trong thời kỳ chuyển mùa; ô nhiễm môi trường,… làm tôm yếu, chết hoặc dễ mắc bệnh. Bên cạnh đó, ở một số nơi, tôm giống chưa đảm bảo chất lượng, có mang mầm bệnh nên làm phát tán, lây lan và phát triển thành dịch.
Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, nhờ thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, lượng vật tư, hóa chất thú y sử dụng cũng giảm mạnh. Với 30 triệu liều vacxin CGC dự trữ quốc gia từ năm 2014 đến nay chúng ta vẫn chưa động đến.
6 tháng đầu năm, lượng vacxin dự phòng CGC cấp cho các tỉnh là 11,5 triệu liều, giảm gần 1 nửa so với cùng kỳ năm 2014; số lượng vacxin LMLM cấp cho các tỉnh từ quỹ dự phòng cũng giảm gần 120.000 liều.
Ông Phạm Văn Đông cho biết: Mặc dù dịch đã được kiểm soát, tuy nhiên trong tời gian tới nguy cơ dịch bệnh phát sinh và lây lan là rất cao, các địa phương cần chủ động trong công tác phòng chống CGC độc lực cao H5N1 và H5N6, đồng thời tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch.
3 năm nay, chúng ta mới chỉ dùng nửa triệu liều vacxin tai xanh. Hóa chất dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm chỉ bằng 27%, thủy sản là 78% so với năm 2014. Đó là thành công rất lớn của ngành.
Cán bộ thú y làm việc quá tải
Thảo luận về những bất cập trong hoạt động của ngành, ông Dương Tất Thắng, Giám đốc Cơ quan Thú y vùng III, than phiền rất nhiều về chính sách cán bộ. Ví dụ, cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) có 4 điểm dừng kiểm dịch động vật, nhưng chỉ có 2 cán bộ được đeo sao, đội mũ (tức là công chức trong ngành), còn lại là lao động hợp đồng. Nếu không được đào tạo chuyên môn bài bản, không nắm chắc các quy định pháp luật và không được mặc đồng phục khi thực thi nhiệm vụ thì doanh nghiệp phản ứng rất gay gắt.
Đồng quan điểm, ông Phạm Văn Đông cho rằng: Hiện tại toàn Cục có gần 600 người, nhưng chỉ có 275 người là công chức. Trong đội ngũ công chức lại có 34 người làm nhiệm vụ lái xe và bảo vệ và tạp vụ. Như vậy, chỉ có 241 người chỉ đạo cả 1 hệ thống với 15 - 16 đơn vị trực thuộc, với rất nhiều cửa khẩu quốc gia, thực hiện nhiều chức năng, nhiệm vụ nên vô cùng vất vả.
Theo yêu cầu, điểm dừng kiểm dịch nào cũng cần có người túc trực 22/24 (tức phải có 3 người thay phiên nhau). Nhưng cả một Cơ quan Thú y vùng II (quản lý địa bàn suốt từ Thái Bình lên Hà Giang) chỉ có 22 công chức (trong đó có cả lái xe, tạp vụ và bảo vệ). Từ năm 2012 đến giờ Cục không tuyển được biên chế nào cả. Bộ NN-PTNT yêu cầu phải tiếp tục giảm thời gian thông quan hàng hóa để hạn chế thiệt hại cho doanh nghiệp. Nhưng người ít nên khó thực hiện được.
Một khó khăn khác được ông Lê Minh Sơn, Giám đốc Cơ quan Thú y vùng I phản ánh, đó là thông tư 44 về việc quy định các bệnh phải kiểm tra định kỳ đối với cơ sở chăn nuôi gia súc giống, gia cầm giống, bò sữa đã được Bộ NN-PTNT ban hành từ ngày 1/12/2014, nhưng đến giờ Cục Thú y vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện nên các chi cục rất khó triển khai trong việc lấy mẫu, xử lý vi phạm…
Theo: nongnghiep.vn