Để ngành lúa gạo vượt khó: Thay đổi tư duy sản xuất

Giá lúa sụt giảm khiến Chính phủ phải vào cuộc chỉ đạo “giải cứu”. Các chuyên gia cho rằng, không thể như thế này mãi mà phải thoát khỏi “tư duy mùa vụ và thương vụ” để kiến tạo chiến lược dài hạn hơn cho ngành hàng là sinh kế của hàng chục triệu nông dân
tr7a.jpg
Thu hoạch lúa đông xuân 2018 – 2019 tại tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương

Còn nhiều hạn chế

Theo thống kê, xuất khẩu gạo của nước ta năm 2018 đạt 6,1 triệu tấn, trị giá 3,06 tỷ USD, tăng 5,1% về lượng và 16,3% giá trị so với năm 2017.

Năm 2019, dự kiến diện tích lúa trên cả nước là 7,53 triệu hecta, năng suất trung bình 58,1 tấn/ha, sản lượng gạo dự kiến đạt 43,8 triệu tấn, tương đương năm 2018, đủ cho nhu cầu trong nước và kế hoạch xuất khẩu. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh thương mại gạo toàn cầu tiềm ẩn những biến động khó lường.

Cụ thể, từ cuối năm 2018 đến nay, việc tiêu thụ gạo gặp một số khó khăn, giá gạo giảm. Xuất khẩu gạo tháng 1/2019 đạt 437,6 nghìn tấn với giá trị đạt 195,3 triệu USD, giảm 10,9% về khối lượng và 18,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Thị trường lớn nhất là Trung Quốc giảm, các thị trường khác chưa có nhiều khởi sắc.

Nguyên nhân do nguồn cung dồi dào vì đang bước vào thu hoạch vụ đông xuân - vụ lúa lớn nhất trong năm, trong khi  các giao dịch xuất khẩu cũng ít hơn trong thời gian gần Tết. Các thị trường quốc tế đang tiếp tục có sự cạnh tranh gia tăng về chất lượng, chủng loại và yêu cầu kiểm tra chất lượng hàng xuất khẩu…

Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đã chỉ ra  những “điểm nghẽn” trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Trong đó, chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và tính cạnh tranh của ngành lúa gạo thấp; xuất khẩu gạo khối lượng lớn nhưng giá trị thấp; sản xuất thiếu tính bền vững...

Thực trạng giá lúa gạo mà Bộ Nông nghiệp và PTNT nêu ra cho thấy, từ cuối năm ngoái, giá lúa tươi tại ruộng có dấu hiệu sụt giảm. Đến đầu tháng 2/2019, tiếp tục giảm xuống còn 4.200 - 4.400 đồng/kg; loại thóc hạt dài OM 504 giảm còn 4.500 đồng/kg…

“Thêm vào đó, việc ký kết hợp đồng xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, trở ngại hơn các năm trước. Một số nước nhập khẩu gạo thông tin sẽ thu mua chậm hơn so với các năm trước. Ngoài ra, năng lực thu mua tạm trữ của doanh nghiệp còn yếu. Chính vì vậy, sự vào cuộc nhanh của ngân hàng và doanh nghiệp sau chỉ đạo của Thủ tướng góp phần rất lớn để giải quyết những khó khăn trước mắt”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Bên cạnh đó, tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đã làm tăng chi phí điều trị dịch hại, tăng chi phí bơm tưới, tăng chi phí bảo dưỡng đê, chi phí bơm nước, chất lượng lúa bị giảm sút, giá bán giảm, tăng chi phí thu hoạch… Đặc biệt, do xâm nhập mặn, năng suất, sản lượng lúa có thể bị giảm 30 - 50%.

Cũng do tác động của BĐKH, doanh nghiệp trong chuỗi giá trị chịu các thiệt hại vật chất cụ thể như: Chậm tiến độ thu mua, tốn chi phí phơi sấy, bảo quản, chi phí nâng nền, chất lượng gạo giảm sút…

Thoát khỏi tư duy “mạnh ai nấy làm”

Để góp phần nâng cao chất lượng của ngành lúa gạo, nhiều chuyên gia cho rằng, cần kiến tạo một chiến lược dài hạn hơn. Theo ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới sẽ góp phần thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, làm chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp. Nhìn với góc độ khác, HTX có vai trò quan trọng trong hình thành chuỗi giá trị như định hướng của nhiều doanh nghiệp và đề xuất của nhiều chuyên gia tâm huyết với ngành hàng lúa gạo.

Ông Hoan cũng nêu lên trăn trở: “Tuy chúng ta đang là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới nhưng vẫn chưa thoát khỏi “lời nguyền”: Sản xuất cá thể, manh mún, mạnh ai nấy làm, giá thành cao, chất lượng không đồng đều. Thực tế cho thấy, chỉ có làm ăn tập thể mà mô hình HTX chính là mắt xích quan trọng để liên kết chuỗi ngành hàng. Để mô hình này phát triển thì Chính phủ cần xem xét ban hành nghị định về HTX, tiến dần đến ban hành Luật về HTX nông nghiệp.

“Còn để nông dân làm ăn cá thể, đất đai manh mún, tự do nuôi trồng không tổ chức được mô hình làm ăn tập thể thì nông dân vẫn nghèo muôn thuở. Chỉ có mô hình hợp tác sản xuất tập thể mới có thể đưa  tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất, nâng cao chất lượng, hạ giá thành, nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm”, GS.TS. Võ Tòng Xuân - chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp chia sẻ.

GS.TS. Võ Tòng Xuân nhấn mạnh thêm, chính vì sản xuất theo kiểu “mạnh ai nấy làm, theo quy trình tùy thích” nên chất lượng sản phẩm không đồng đều, trên một cánh đồng có nhiều giống lúa với quy trình sản xuất không ai giống ai; khi thương lái đi thu mua thì gom tất cả loại lúa khác nhau vào một ghe, chở về nhà máy xay xát cùng một mẻ và cho ra đời thứ sản phẩm gạo hỗn tạp. Chính kiểu sản xuất như thời tự cung tự cấp nên việc xây dựng thương hiệu, công bố chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc… không thể thực hiện được.

Nhóm nghiên cứu gồm GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam và TS. Đặng Kim Khôi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), cũng cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải áp dụng những giải pháp dài hạn, mang tính chiến lược về sản xuất lúa gạo. Ngoài các vùng chuyên canh chính để phục vụ xuất khẩu tập trung ở ĐBSCL và một số vùng chuyên canh để đảm bảo an ninh lương thực trong nước, cần có kế hoạch chuyển đất lúa sang các mục đích sử dụng nông nghiệp khác để tăng giá trị và tăng hiệu quả chứ không thể tiếp tục “phấn đấu” tăng diện tích và sản lượng lúa gạo.

Trên thực tế, nền nông nghiệp Việt Nam, là trụ đỡ của nền kinh tế của nước nhà. Cho nên, lúa gạo vẫn là mặt hàng chiến lược trong cạnh tranh xuất khẩu mà Việt Nam có nhiều lợi thế, trong đó, ĐBSCL đóng vai trò then chốt trong khâu sản xuất. Phải sản xuất lớn, kết hợp chế biến sâu, tiết kiệm tốt và cơ cấu, tổ chức lại sản xuất. .. Ngoài việc tái cơ cấu sản xuất ngành hàng lúa gạo, cần có giải pháp căn cơ, đó chính là xây dựng được ngành công nghiệp lúa gạo với những nhà máy thu mua, tạm trữ, chế biến chuyên nghiệp.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho rằng: Hiện nay, người tiêu dùng đều chú ý tới sức khỏe, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc nên nếu ta chỉ tập trung vào số lượng, “bỏ quên” chất lượng và thiếu truy xuất nguồn gốc thì sẽ là tự tạo ra rào cản cho chính mình.

 Theo Thanh Xuân/kinhtenongthon.vn