Để nông sản giảm lệ thuộc thị trường Trung Quốc: Liên kết để tạo thế chân kiềng

“Nhiều năm nay, các mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc rất mạnh, nhưng chủ yếu theo đường tiểu ngạch. Làm ăn lâu dài với họ theo kiểu này, kết quả là chúng ta có một nền nông nghiệp “ăn xổi ở thì”, không bền vững” - GS - TS Võ Tòng Xuân (ảnh) - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang nhấn mạnh.

Trao đổi với phóng viên NTNN, GS - TS Võ Tòng Xuân cho biết: Trước đây tôi đã có lần nhấn mạnh rằng, nền nông nghiệp nước ta hiện nay không mấy sáng sủa, bao năm nay nông dân vẫn nghèo, không thoát ra được cái vòng luẩn quẩn được mùa – rớt giá, được giá – mất mùa. Hơn ai hết, bản thân người nông dân luôn muốn làm ra nhiều sản phẩm có chất lượng, bán được giá, thu lãi cao. Họ cứ nghĩ mình làm ra cái gì, thì doanh nghiệp (DN) phải mua cái đó, nhưng thị trường không như vậy.

GS - TS Võ Tòng Xuân

Theo GS, thực trạng sụt giảm, yếu kém của nền nông nghiệp hiện nay do những nguyên nhân nào?

- Thực ra, nông dân chỉ là 1 trong 3 tác nhân dẫn đến tình trạng nông nghiệp như hiện nay, 2 tác nhân còn lại là DN và Nhà nước. Trong đó, phần lớn DN không liên kết tổ chức sản xuất với nông dân mà có nhu cầu mới đi thu mua; thụ động trong việc tìm kiếm thị trường; không chế biến sâu... nên sản phẩm không có thương hiệu.

Về phía Nhà nước, bộ ngành liên quan thì chưa thực sự phát huy được vai trò điều tiết, tổ chức chuỗi giá trị nông sản mà lâu nay vẫn hành động theo kiểu chắp vá. Chúng ta không thể cứ đổ lỗi cho nông dân làm ăn theo phong trào, trình độ kỹ thuật yếu, chậm đổi mới... Tôi cho rằng, khiếm khuyết nhất hiện nay chính là Nhà nước, bộ ngành liên quan chưa tham gia tổ chức cho dân làm mà thôi. Cũng chính vì quản lý yếu kém mà cả chục năm nay, chúng ta để cho thương nhân Trung Quốc lùng sục vào tận vườn của dân, thu mua nông sản theo cách rất oái oăm của họ. Họ rất “hiểu” ta, trong khi cả nông dân và DN nước ta đều ở thế bị động, thậm chí khi họ “xù” tiền, chúng ta cũng chỉ biết… bó tay.

Trong bối cảnh tình hình căng thẳng trên Biển Đông, nhiều người lo ngại quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ xấu đi, làm ảm đạm thêm tình hình tiêu thụ nông sản của Việt Nam. Ông nghĩ sao?

- Tôi cho rằng nếu quan hệ thương mại giữa hai nước xấu đi thì với 1,4 tỷ dân và sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu, Trung Quốc vẫn cần nhập khẩu lương thực từ những nước có khoảng cách địa lý gần như Việt Nam. Thực tế DN của họ cũng chỉ thích nhập khẩu tiểu ngạch vì thủ tục đơn giản, chi phí thấp, giá rẻ. Hiện Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam. Theo Bộ NNPTNT, trong 5 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã nhập đến gần 42% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Cứ theo đà này, ít nhất 3 triệu tấn gạo sẽ được xuất sang Trung Quốc. Nhưng chúng ta cũng không thể chủ quan, với mức độ phụ thuộc cao như vậy, ai cũng có thể dự báo được những rủi ro nếu thị trường này đột ngột dừng mua gạo. Chắc chắn nhiều DN sẽ gặp khó khăn, thậm chí phá sản.

Tuy nhiên xét về lâu dài, tôi cho rằng trong khó khăn cũng có điều tốt, bởi DN xuất khẩu nông sản nói riêng, ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung sẽ phải có những thay đổi lớn để nâng cao chất lượng nông sản, hướng đến những thị trường cao cấp hơn, thu được giá trị cao hơn… Trong bối cảnh hiện nay, dứt khoát chúng ta phải thay đổi mạnh mẽ để thoát khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc.

Chúng ta cần “thay đổi mạnh mẽ” như thế nào?

- Tôi rất hy vọng vào việc chúng ta thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của tôi, đề án tái cơ cấu của một số tỉnh chỉ là “bình mới rượu cũ”, không có gì đột phá. Tái cơ cấu nông nghiệp, trước tiên phải là đổi mới từ tư duy nhà quản lý, nếu “nhạc trưởng” mà tư duy sai, đưa ra chiến lược sai thì hệ quả rất nghiêm trọng.

Trước tiên, về quan hệ thương mại với Trung Quốc, các DN, thương lái đừng tham xuất khẩu tiểu ngạch nữa, đừng tự “hạ thấp” mình nữa mà phải tăng xuất khẩu chính ngạch bằng những hợp đồng kinh tế rõ ràng. Chỉ có đi bằng chính ngạch, chúng ta mới có sự công bằng, không bị ép giá.

"Những giải pháp như tôi phân tích, ai cũng biết nhưng cứ nhìn nhau mà không ai có hành động cụ thể. Nếu nông dân, DN, Nhà nước… đều thay đổi tư duy, tôi nghĩ chỉ sau 2 năm là chúng ta thay đổi được tình trạng này”.
GS -TS Võ Tòng Xuân
 
Vậy làm thế nào để tăng xuất khẩu chính ngạch? Rõ ràng chúng ta phải cải thiện chất lượng sản phẩm, giành thế chủ động đàm phán với họ bằng thế mạnh nguồn cung, chất lượng cao chứ không phải bằng lợi thế giá rẻ, chất lượng bình dân. Để làm được điều này, các DN, thương nhân đừng mạnh ai nấy làm nữa, mà phải ngồi lại bàn bạc, tìm giải pháp liên kết với nhau để tạo thế chân kiềng không chỉ với thị trường Trung Quốc mà cả các thị trường khác nữa.

Thứ hai, ngay trong thị trường nội địa, tiêu thụ nông sản của chúng ta lâu nay cũng rất lộn xộn. Nhà nước cần phải đứng ra tổ chức lại sản xuất trong nước, giúp nông dân biết nông sản mình làm ra sẽ được bán ở đâu, cho ai… Nhất là phải xắn tay lên giúp nông dân thành lập hợp tác xã để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, đảm bảo chất lượng, dự báo được nhu cầu thị trường để từ đó có kế hoạch sản xuất cụ thể. Làm tốt khâu này, chúng ta sẽ làm chủ được thị trường, tránh tình trạng dội chợ, mất giá.

Xin cảm ơn ông!

Theo danviet.vn