Để sản phẩm "Cam Vũ Quang" vươn xa

Trong những năm gần đây, nhờ sự vào cuộc nhịp nhàng, đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Vì thế về Vũ Quang hôm nay chúng ta sẽ thấy rõ một diện mạo mới,diện mạo của sự ấm no đủ đầy. Hàng trăm mô hình trồng cam đã cho thu nhập khá. Lên Vũ Quang tầm này, chúng ta sẽ cảm nhận được cái “ngọt” của người trồng cam khi đến vụ thu hoạch. Trên khắp các nẻo đường, từ vùng thượng đến miền xuôi, những chuyến xe chở đầy cam đi muôn nơi trong niềm vui của người trồng.
Tham gia Hội Sản xuất và Kinh doanh cam Vũ Quang, các hộ được hỗ trợ về nguồn giống, kỹ thuật và các chính sách đặc thù
Lấy đề án sản xuất làm “xương sống”
Để cây ăn quả có múi phát triển, huyện Vũ Quang đã xây dựng và ban hành đề án phát triển các loại cây ăn quả có múi, trong đó xác định rõ mục tiêu phấn đấu các loại cây chủ lực. Theo đó, đến cuối năm 2020, toàn huyện sẽ có 2.900 ha cam, trong đó có 2.230 ha cho quả, sản lượng đạt 34.200 tấn, giá trị ước đạt 1.026 tỷ đồng; diện tích chanh đạt 885 ha, có 601 ha cho quả, sản lượng 14.407 tấn, giá trị ước đạt 144 tỷ đồng; diện tích bưởi đạt 177 ha, có 101 ha cho thu hoạch, sản lượng đạt 908 tấn, giá trị ước gần 23 tỷ đồng... Để đạt mục tiêu này, trong đề án cũng đã xây dựng 5 nhóm giải pháp, thành lập ban chỉ đạo và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ngành, địa phương, đoàn thể, hộ gia đình.
Theo ý kiến của những người có chuyên môn, đề án này đã đánh giá khá đúng thực trạng sản xuất các loại cây ăn quả có múi hiện nay trên địa bàn. Nó cũng đã phân tích khá rõ những tồn tại, hạn chế để từ đó đưa ra mục tiêu, giải pháp thực hiện hiệu quả hơn. Đây có thể được xem là ”xương sống”, là cơ sở pháp lý và cũng là mấu chốt của mọi vấn đề có liên quan. Dựa trên chiến lược phát triển này, các địa phương có thể căn cứ vào tình hình thực tiễn của mình để làm tốt hơn công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện việc phát triển trồng cây ăn quả phù hợp với quy hoạch và định hướng chung.
Theo dự báo, trong quá trình triển khai thực hiện chính sách chung của huyện về phát triển cây ăn quả có múi chắc chắn sẽ không tránh khỏi khó khăn, vướng mắc. Nhưng để thành công thì ngoài quán triệt tốt công tác quy hoạch, tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhóm giải pháp về quy trình kỹ thuật, tổ chức đầu tư hạ tầng sản xuất thì các cấp, ngành cũng cần làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng tư tưởng, dự báo tình hình sản xuất. Đặc biệt, để đảm bảo sản xuất bền vững nhất thiết phải quan tâm hơn nữa việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại gắn với chung tay xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho các loại sản phẩm...
Tiếp tục tạo chuyển biến trong tư duy sản xuất...
Có thể khẳng định, nếu trước đây, người làm vườn ở Vũ Quang chỉ trồng theo kiểu tự phát, manh mún, được chăng hay chớ thì nay đã có sự chuyển biến khá rõ cả về nhận thức lẫn cách làm. Tuy nhiên, thực tế quy mô sản xuất như hiện nay vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch, nhiều diện tích vườn đồi rất thích hợp cho phát triển cây ăn quả nhưng vẫn trồng cây keo. Ngoài ra, việc áp dụng các tiến bộ KHKT để sản xuất thâm canh chưa được nhiều người áp dụng triệt để, nhất là hệ thống phun tưới, phòng trừ sâu bệnh, bảo quản sản phẩm... nên năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao. Do vậy, cần phải xây dựng được chiến lược phát triển sát đúng với thực tiễn, xem cam, chanh, bưởi và gần đây là chanh leo là loài cây trồng chủ lực, là khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp.

Từ năm 2013 đến nay, diện tích trồng cây ăn quả ở Vũ Quang tăng nhanh và đã hình thành được nhiều trang trại, gia trại sản xuất tập trung. Sản xuất phát triển kéo theo tư duy hợp tác làm ăn của người dân cũng có những chuyển biến tích cực và việc liên doanh, liên kết đã được quan tâm hơn. Tuy nhiên, việc bắt tay làm ăn giữa doanh nghiệp, tổ hợp tác (THT), HTX, người sản xuất chủ yếu mới dừng lại khâu bán giống.
Vẫn còn khá nhiều HTX, THT được thành lập nhưng chưa có phương án sản xuất kinh doanh, lúng túng trong điều hành, sản xuất chưa gắn theo chuỗi giá trị, đầu ra sản phẩm thiếu ổn định. Vì vậy, ngoài việc phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống HTX, THT thì phải tập trung tổ chức sản xuất theo hướng doanh nghiệp hóa sản phẩm, liên kết sản xuất từ khâu đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm, thực hiện lộ trình vừa tập trung, vừa phân tán và tiến hành đồng nhất về giống, quy trình sản xuất để tạo lượng sản phẩm lớn. Việc nâng cao chất lượng hoạt động cho 2 HTX, 15 THT trồng cây ăn quả hiện có cũng như nỗ lực để đến năm 2020 sẽ thành lập mới 26 HTX và 130 THT nữa sẽ là nhân tố quan trọng giúp giải quyết nhiều vấn đề mà thực tiễn đặt ra.
Nỗ lực xây dựng thương hiệu
Đến nay, tổng diện tích cây ăn quả có múi của Vũ Quang đã đạt trên 2.000 ha, trong đó, cam chiếm khoảng 1.500 ha. Cam Vũ Quang được trồng từ lâu và phát triển mạnh từ năm 2013 lại nay. Riêng năm 2013, Vũ Quang trồng mới 607 ha cây ăn quả có múi, trong đó, cam chiếm 425 ha.
Cam là loại cây có giá trị kinh tế cao với doanh thu bình quân đạt khoảng 300-500 triệu đồng/ha. Theo tìm hiểu, Vũ Quang hiện có 2.000 hộ trồng cam, trong đó, Đức Lĩnh, Đức Bồng, Hương Thọ, Sơn Thọ... là các xã có diện tích lớn. Tiêu biểu như hộ Trần Quốc Viện (thôn Tân Hương – Đức Lĩnh) 10 ha, Lê Khánh Toàn (thôn 6 - Đức Bồng) 4 ha, Nguyễn Đình Hà (thôn 6 – Sơn Thọ) 4 ha… So với cam Khe Mây, cam Thượng Lộc...thì cam Vũ Quang mang đặc trưng riêng. Trong đó, nổi bật là cam chanh với những đặc điểm dễ nhận biết như bề mặt vỏ tròn nhẵn, quả hình cầu, nhiều nước, ngọt đậm pha vị chua nhẹ, quả chín có màu xanh vàng; còn cam bù vỏ tròn nhẵn, quả hình cầu dẹt, thịt quả màu vàng đậm, nhiều nước, vị ngọt pha vị chua nhẹ.
“Để loại đặc sản này có chỗ đứng trên thị trường, tránh bị trà trộn, huyện Vũ Quang đã triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng thương hiệu Cam Vũ Quang, như: Trình nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể và đã được Cục Sở hữu trí tuệ thụ lý; xây dựng vườn ươm giống đạt tiêu chuẩn chất lượng để cung ứng cho các hộ dân... Và trong một ngày gần đây cam Vũ Quang sẽ được cấpvăn bằngbảo hộ Nhãn hiệu tập thể, và lúc này Cam Vũ Quang sẽ có nhiều cơ hội để vươn xa”.  bà Nguyễn Thị Lương – Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết.
Hiện nay, Hội Nông dân Vũ Quang đang xúc tiến thành lập Hội Sản xuất và Kinh doanh Cam Vũ Quang, trong đó, lựa chọn những tập thể và cá nhân trồng cam tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ. Đồng thời, hội phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện, Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các hộ tuân thủ quy trình kỹ thuật từ chọn giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến thu hoạch, bảo quản, góp phần đảm bảo chất lượng để sử dụng nhãn hiệu tập thể một cách hợp lý.
 
Lời kết
Có thể khẳng định rằng, Vũ Quang đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong định hướng phát triển sản xuất nói chung và đẩy mạnh phong trào trồng cây ăn quả có múi nói riêng. Tác động và tầm ảnh hưởng của những đồi cây ăn quả đã lan tỏa rất lớn đến công cuộc phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững cũng như ổn định đời sống, nâng cao sinh kế của một bộ phận nhân dân. Hiện nay, dù vẫn còn những vấn đề khó khăn, trở ngại nhưng cả hệ thống chính trị đang tập trung vào cuộc cùng người làm vườn để tiếp tục khai thác tốt các tiềm năng, phát huy tối đa lợi thế nhằm phục vụ cho việc phát triển cây ăn quả.
Tất cả đều đang hướng tới mục tiêu đến 2020, toàn huyện sẽ có 4.100 ha cây ăn quả có múi. Trong đó, số cho sản phẩm là 3.000 ha, sản lượng các loại 50.126 tấn và tổng giá trị sản xuất ước đạt 1.205 tỷ đồng. Và với những vùng đồi đang xanh, những cành cây đang mọng quả, cả chính quyền và người dân đều tích cực vào cuộc thì ngay trên mảnh đất này, dáng dấp của những vùng cây ăn quả nổi tiếng như Cao Phong (Hòa Bình) hay Xã Đoài (Nghệ An) không còn xa...
 
Quang Tùng
Sở KH&CN Hà Tĩnh