Dịch bệnh gia súc, gia cầm Vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Dịch bệnh gia súc, gia cầm Vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Mặc dù từ ngày 15/4, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đã công bố khống chế thành công dịch cúm gia cầm trên cả nước, song nguy cơ bùng phát và lây lan trở lại của các ổ dịch còn cao bởi virus vẫn lưu hành ngoài môi trường, nhất là tại các chợ, điểm tập kết gia súc, gia cầm.
Virus vẫn lưu hành ngoài môi trường         
Thời gian qua, những địa phương cuối cùng có ổ dịch cúm gia cầm là Khánh Hòa, Vĩnh Long, Hà Giang, Bình Thuận và Bến Tre đã lần lượt công bố hết dịch, trên cả nước không có ổ dịch mới phát sinh. Đây được coi là nỗ lực đáng ghi nhận của các ngành, địa phương trong công tác phòng, chống dịch. Dù vậy, kết quả giám sát sự lưu hành của virus cúm tại các chợ gia cầm của Cục Thú y vẫn cho thấy, tình hình dịch bệnh còn nhiều mối lo ngại. Đơn cử, trong đợt giám sát tại 147 chợ gia cầm của 44 tỉnh, TP đã phát hiện 5,68% mẫu (trong tổng số 40.610 mẫu thu thập) dương tính với virus cúm A/H5N1. Trong đó có tới 61,22% số chợ tham gia chương trình giám sát phát hiện có mẫu gia cầm bán dương tính virus cúm gia cầm. Tiếp đó, trong đợt giám sát từ tháng 11/2013 - 2/2014 tại 41 tỉnh, TP, tỷ lệ mẫu phát hiện dương tính với virus cúm gia cầm tại các chợ có xu hướng tăng nhẹ, ở mức 5,89%. 
Buôn bán gia cầm ven Quốc lộ 6 tại xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai. Ảnh: Quang Thiện
Buôn bán gia cầm ven Quốc lộ 6 tại xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai. Ảnh: Quang Thiện
Bên cạnh chủng virus cúm A/H5N1, việc lấy mẫu giám sát virus cúm A/H7N9 của Cục Thú y tại 9 tỉnh, TP phía Bắc cũng cho kết quả không mấy khả quan. Theo đó, mặc dù Việt Nam chưa phát hiện virus cúm A/H7N9 nhưng qua giám sát tại các chợ, điểm tập kết gia cầm, các cơ quan chuyên môn vẫn phát hiện nhiều mẫu gia cầm dương tính với cúm A. Cụ thể, từ tháng 12/2013 - 27/3/2014 phát hiện 19,36% mẫu gà và mẫu môi trường thu thập tại 60 chợ, điểm tập kết gia cầm dương tính với cúm A. Mới đây nhất, từ 27/3 - 4/4/2014 phát hiện 8,64% mẫu gà và môi trường thu thập tại 60 chợ, điểm tập kết gia cầm dương tính với cúm A. 
Dịch lở mồm long móng chưa được dập tắt
Ông Đàm Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Thú y nhận định, các ổ dịch cúm gia cầm từ đầu năm tới nay xảy ra chủ yếu trên đàn gia cầm nuôi tại các hộ gia đình. Trong thời gian tới, nguy cơ dịch phát sinh và lây lan vẫn rất cao nếu các địa phương không thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch. Trong một diễn biến khác, dịch lở mồm long móng (LMLM) vẫn chưa được dập tắt hoàn toàn, còn xảy ra các ổ dịch nhỏ lẻ. Đáng chú ý, dịch LMLM tiếp tục phát sinh thêm ổ dịch mới tại tỉnh Hà Tĩnh. Cụ thể, dịch xảy ra tại một hộ chăn nuôi thuộc xã Đức Dũng, huyện Đức Thọ và tại huyện Hương Khê tiếp tục phát sinh 3 con trâu, bò mắc bệnh trên địa bàn 2 xã Hà Linh và Phương Mỹ. Trước đó, ngày 17/4, dịch LMLM đã xuất hiện tại 42 hộ chăn nuôi trâu bò thuộc 13 thôn, 8 xã, 4 huyện Lộc Hà, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên và Hương Khê của tỉnh Hà Tĩnh làm 80 con trâu, bò mắc bệnh. Như vậy, đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, dịch LMLM đã xảy ra tại 45 hộ chăn nuôi trâu bò thuộc 14 thôn, 9 xã, 4 huyện làm 84 con trâu bò mắc bệnh. Tính đến nay, cả nước còn tỉnh Hà Tĩnh và Sơn La có dịch LMLM chưa qua 21 ngày.
Ông Đàm Xuân Thành cho biết thêm, bên cạnh típ O, virus LMLM típ A cũng có thể gây dịch trên diện rộng nếu hoạt động nhập lậu gia súc không được kiểm soát và các địa phương không quản lý được số gia súc đã nhiễm bệnh, nhất là khu vực Đồng bằng sông Hồng - nơi có mật độ gia súc lớn. Do đó, Cục Thú y đề nghị các địa phương tổ chức lấy mẫu để xét nghiệm xác định típ virus gây bệnh LMLM trên gia súc để có hướng sử dụng vaccine phù hợp. Đặc biệt, lập các chốt kiểm dịch để quản lý chặt chẽ, không cho vận chuyển gia súc và sản phẩm của gia súc mắc bệnh ra ngoài ổ dịch. Lưu ý theo dõi những khuyến cáo mới nhất về sự lưu hành của chủng virus cúm gia cầm trên địa bàn và hiệu lực của các loại vaccine để tổ chức phòng, chống dịch hiệu quả nhất. 
Thiên Tú
Nguồn: ktdt.com.vn