Dịch bệnh giảm, vẫn ít tôm

Dịch bệnh giảm, vẫn ít tôm
Người nuôi tôm xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi vừa thu hoạch tôm vụ 2 năm 2014. Điều đáng nói ở đây, dù không còn tình trạng tôm chết hàng loạt do bệnh đốm trắng như trước, nhưng sản lượng vẫn thấp.

Không như mong đợi

Vụ tôm nay, diện tích thả nuôi của xã Nghĩa An lớn nhất thành phố Quảng Ngãi với 20,1/22,5 ha, đạt gần 90% diện tích tôm của xã, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng. Rút kinh nghiệm từ những vụ nuôi trước, người nuôi tôm trong xã đã chú trọng chọn con giống chất lượng tốt, thả đúng lịch thời vụ; đồng thời, đầu tư vệ sinh, khử trùng hồ nuôi, hệ thống dẫn nước, thoát nước và cải tạo môi trường xung quanh... Tuy nhiên, do thời tiết không thuận lợi, tôm chết rải rác từng đợt, thêm vào đó, người nuôi tôm thả giống dè dặt và mật độ tôm trong từng ao hồ khá thưa khiến năng suất, sản lượng đạt thấp.

Người nuôi vẫn lỗ do sản lượng tôm thấp - Ảnh: Huy Hùng

Ông Trần Minh Cảnh, một hộ nuôi tôm ở thôn Tân An (xã Nghĩa An) chia sẻ, ông thả nuôi 2 đợt với số lượng 24 vạn tôm giống trên diện tích gần 4.000 m2, giá thành gần 15 triệu đồng. Trong suốt quá trình nuôi không thấy xuất hiện dịch bệnh đốm trắng, nhưng có tình trạng giai đoạn đầu tôm sinh trưởng bình thường, sau đó không rõ vì nguyên nhân gì tôm sút ăn, nhũn thân, chuyển sang màu trắng và chết. Tôm chết không nổi lên mặt nước, chỉ đến khi thấy một vài con nổi lên, người dân xuống hồ kiểm tra thì tôm đã chết khá nhiều. Do đó, ông phải phải bán khi tôm chưa đủ ngày tuổi, giá không cao. Đến cuối vụ, gia đình ông thu về khoảng 50 triệu đồng, trừ chi phí về thức ăn, giống, còn lại chẳng là bao.

Còn ông Nguyễn Sen, cùng thôn, lo sợ dịch bệnh nên chỉ thả 20 vạn tôm giống trên diện tích 3.000 m2. Tuy nhiên, chỉ hơn một tháng sau, tôm chết rải rác từng đợt, mỗi đợt hao hụt khoảng 1/3 lượng tôm nên khi thu hoạch chỉ còn khoảng 7 vạn. Ông Sen chia sẻ thêm, vụ này, người nuôi tôm nếu lời thì cũng chỉ 10 - 15 triệu, nhưng có không ít người bị lỗ, như con rể ông, thả nuôi 35 vạn mà chỉ còn được 3 kg. 

 

Người nuôi không được chia sẻ

Qua trao đổi được biết, hầu hết người dân chọn mua tôm giống ở các công ty lớn, có kiểm dịch. Một vạn tôm giống “xịn” có giá 700.000 - 900.0000 đồng, rất ít người mua tôm chợ giá rẻ. Do lo sợ dịch bệnh nên người nuôi thả giống với mật độ khá “mỏng”, giảm gần phần nửa số lượng giống trên cùng một diện tích so với các vụ trước. Ông Lê Huy Phúc, cán bộ thủy sản xã Nghĩa An cho biết, qua tìm hiểu thì vụ này thời tiết không thuận lợi, người nuôi thả ít nên hiệu quả không đạt, năng suất chỉ khoảng 5 tạ/ha.

Còn ở xã Nghĩa Phú, do bị lỗ nặng trong các vụ tôm trước, nên vụ này diện tích thả nuôi tôm bị thu hẹp đáng kể. Hiện, toàn xã chỉ có khoảng hơn 20 hộ thả nuôi nuôi với tổng diện tích 6 ha, giảm 1/3 diện tích so với các vụ trước đó. Theo người nuôi, trong vụ 2 năm nay tôm không bị dịch bệnh đốm trắng, tím thân, nhưng do thời tiết không thuận nên tôm sinh trưởng kém, hiệu quả kinh thấp.

Mặc dù dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp gây nhiều thiệt hại về kinh tế, nhưng không thấy cán bộ có chuyên môn về hướng dẫn quy trình nuôi cũng như cách xử lý dịch bệnh. Do đó, người dân thả nuôi tôm vẫn dựa vào “may rủi”, “lời ăn lỗ chịu”, còn giải pháp khắc phục thì chính quyền thành phố vẫn bỏ ngỏ.

>> Theo các nhà chuyên môn, trước mắt, cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý thời vụ, con giống, thức ăn, thuốc, kiểm soát môi trường vùng nuôi... Đồng thời, rà soát quy hoạch để có cơ sở xây dựng các vùng nuôi mới; cải tạo, nâng cấp vùng nuôi cũ nhằm đảm bảo an toàn cho nuôi thủy sản thời gian tới...

Ngọc Hà /thủy sản việt nam