Dịch bệnh lạ trên tôm: Mất trắng hơn 5.000 tỉ đồng

Dịch bệnh lạ trên tôm: Mất trắng hơn 5.000 tỉ đồng
Hàng chục ngàn hecta tôm tại miền Nam và duyên hải miền Trung mất trắng. Nông dân như ngồi trên lửa khi diện tích tôm chết ngày một tăng. Ngành nông nghiệp ráo riết vào cuộc tìm nguyên nhân nguồn bệnh, tuy nhiên đến nay cách điều trị bệnh lạ trên tôm vẫn hoàn toàn bó tay.



Dịch bệnh lạ trên tôm: Mất trắng hơn 5.000 tỉ đồng

Sau hơn 2 năm, bệnh lạ trên tôm vẫn hoành hành khiến người nuôi tôm điêu đứng. Ảnh: T.L

Mất trắng hơn 5.000 tỉ đồng

Tổng diện tích tôm thiệt hại mới nhất là hơn 39.800ha “chia đều” cho 16 tỉnh trọng điểm nuôi tôm ven biển và theo Bộ NNPTNT, con số này vẫn tăng theo từng ngày. Điều đáng nói là diện tích tôm thiệt hại do dịch bệnh đều lớn trong hai năm qua, theo đó  cùng kỳ 2011 có 65.590ha, năm 2010 có 28.500ha tôm chết trắng.

Được xác định ban đầu là hội chứng teo gan tụy (hội chứng “chết sớm”) ở tôm song đến nay, vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây ra dịch và hướng xử lý. Bệnh ngày càng lây lan với tốc độ chóng mặt, nhiều địa phương trở tay không kịp. Các tỉnh chịu thiệt hại nặng nề là Sóc Trăng với hơn 7.300ha tôm bị thiệt hại, Cà Mau với hơn 8.860ha, Trà Vinh gần 10.000ha... Tổng thiệt hại từ dịch bệnh lạ trên tôm theo ước tính của Tổng cục Thủy sản hiện lên đến trên 5.000 tỉ đồng.

Dịch bệnh hoành hành gây khốn đốn cho không ít hộ nuôi. Giá tôm nguyên liệu giảm từ 20.000đ – 50.000đ/kg so với năm 2011 làm người nuôi thiệt hại nặng hơn. Hàng loạt các nhà máy chế biến thủy sản thiếu nguyên liệu trầm trọng. Bộ NNPTNT hơn hai năm nay đã ráo riết vào cuộc tìm nguyên nhân gây bệnh lạ trên tôm. Bộ đã thành lập một đoàn các nhà khoa học đầu ngành trong nước, mời các chuyên gia quốc tế từ Mỹ, Nhật, Tổ chức Nông lương thế giới FAO cùng phối hợp nghiên cứu dịch bệnh. Tổng cục Thủy sản cho hay, hiện mẫu tôm bệnh đã được gửi sang Mỹ nghiên cứu và trong tuần tới sẽ sớm có kết quả ban đầu.

“Truy” nguyên nhân

Sau nhiều cuộc họp bàn của Tổng cục Thủy sản (TCTS), các ý kiến cho rằng phần lớn do việc nuôi trồng của bà con vẫn đang có “vấn đề” ngay từ khâu đầu vào. Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản Dương Tiến Thể cho biết: “Nguyên nhân chính khiến tôm bị bệnh ngày càng nhiều vẫn là do quy trình công nghệ nuôi tôm mỗi vùng một kiểu, các hộ nuôi lại sử dụng nhiều chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật vô tội vạ. Chưa kể đối tượng tôm bố mẹ vẫn chưa được kiểm soát chất lượng”. Theo ông Thể, ngoài các giống tôm bố mẹ nhập khẩu có đăng ký từ nước ngoài, một bộ phận DN tự cứu chọn tạo tôm bố mẹ để bán ra thị trường và nguồn tôm này chưa hề được kiểm định chất lượng, buôn bán trao tay.

Theo Vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, Thái Lan cũng đang lâm vào tình cảnh bi đát tương tự khi diện tích tôm chân trắng bị bệnh lên đến 250.000ha. Tuy nhiên khi xảy ra dịch, nước này đã xử lý rất triệt để, từ khâu khoanh vùng dịch, xử lý sạch sẽ ao nuôi đến kiểm soát chất lượng tôm giống và tôm bố mẹ. Với cách làm này, diện tích tôm bị bệnh lây lan rất hạn chế. TCTS thừa nhận các khâu này hiện thực hiện rất lỏng lẻo ở nước ta.

Phó Tổng cục trưởng Phạm Anh Tuấn cho hay: “Quy trình nuôi thường đa dạng do từng điều kiện, vì vậy cốt yếu là kiểm soát chất lượng đầu vào như con giống, các sản phẩm được sử dụng trong quá trình nuôi”. TCTS khuyến cáo bà con điều chỉnh thói quen nuôi trồng, trong đó tuyệt đối không được lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, dành diện tích nuôi nhất định để xử lý nguồn nước, nuôi thả tôm. Bộ NNPTNT cũng đã có đề xuất Chính phủ hỗ trợ thiệt hại cho bà con, tăng vốn đầu tư cho hạ tầng các vùng nuôi vốn đã xuống cấp nhiều năm nay.

 

Dương Hà

 Theo Lao Động