Dịch bệnh tôm bùng phát

Dịch bệnh tôm bùng phát
Tính đến hết tháng 5, dịch bệnh trên tôm nuôi đã gây hại trên địa bàn 232 xã, phường, thị trấn của 60 huyện, thị, thành phố thuộc 19 tỉnh, thành.

Dịch bệnh tôm bùng phát

Nông dân ĐBSCL bất lực nhìn tôm nuôi bị dịch bệnh


Theo Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), 5 tháng đầu năm 2014, các tỉnh ven biển Nam bộ đã thả nuôi 29,6 tỷ con tôm giống trên diện tích 432.841 ha, chiếm hơn 70% diện tích thả nuôi tôm của cả nước.

Nguồn giống được nhập từ các tỉnh Nam Trung bộ là chủ yếu, do nguồn giống SX tại chỗ chỉ đáp ứng được khoảng 36,6% nhu cầu. Giá tôm giống của các Cty vốn nước ngoài cao hơn các cơ sở nhỏ lẻ khác tới 40%. Cụ thể, tôm thẻ chân trắng (TCT) 80 - 109 đ/con, tôm sú 55 - 120 đ/con.

Do giá tôm nguyên liệu những tháng đầu năm luôn ở mức cao; nhất là TCT có thời điểm từ 120.000 - 140.000 đ/kg đối với loại 100 con, nên lợi nhuận thu được rất lớn. Từ đó, người dân đã đổ xô nuôi TCT khiến diện tích tăng mạnh, lấn lướt tôm sú, thậm chí “vượt rào” phá vỡ quy hoạch. Điều này dẫn đến tình trạng “khủng hoảng thừa”, giá sụt giảm mạnh khi vào chính vụ thu hoạch.

Tại Kiên Giang, diện tích thả nuôi tôm nước lợ từ đầu năm đến nay đạt gần 88.400 ha, với trên 3,3 tỷ con tôm giống. Riêng diện tích thả nuôi theo hình thức thâm canh, bán thâm canh đạt 1.241 ha thì TCT chiếm tới 1.181 ha.

Theo ông Nguyễn Vân Thanh, Chi cục trưởng Chi cục NTTS Kiên Giang, điều đáng lo ngại là TCT không chỉ lấn lướt tôm sú trong vùng quy hoạch nuôi chung cả 2 loài này mà còn “lấn sân” vùng quy hoạch SX tôm sú - lúa.

Qua kiểm tra đã phát hiện 399 ha TCT nuôi sai quy định, rải rác ở các huyện vùng U Minh Thượng, Hòn Đất, Châu Thành và TP Rạch Giá. Không những thế, ở vùng Tứ giác Long Xuyên dân còn lấn chiếm cả rừng phòng hộ để đào ao nuôi tôm TCT ngoài quy hoạch 152,8 ha, nhiều nhất là TX Hà Tiên 142 ha.

Tại Bạc Liêu, trong vùng quy hoạch nuôi tôm sú quảng canh (tôm - lúa), nông dân đã tự ý thả nuôi khoảng 10.000 ha TCT. Mặc dù thả nuôi sai quy định nhưng cơ quan chức năng chỉ có thể kiểm tra nhắc nhở, lập biên bản yêu cầu dân cam kết không được thả tiếp chứ không có chế tài để xử phạt.

Đáng lo ngại hơn là ở một số địa phương như Đồng Tháp, Bến Tre, Sóc Trăng, TPHCM… người dân còn thả nuôi TCT ngay trong vùng nước ngọt. Diện tích ngọt hóa chuyển sang thả nuôi TCT rất đa đạng, từ ao nuôi cá tra, ao nuôi tôm càng xanh, đến đất lúa, đất trồng dừa, đất mía kém hiệu quả. Tổng diện tích nuôi TCT trong vùng nước ngọt và vùng nhiễm mặn tại một số tỉnh ĐBSCL đã lên đến 1.194 ha.

Để nuôi được TCT trong vùng nước ngọt, người dân phải sử dụng nhiều cách khác nhau như bơm nước ngầm, dùng muối xử lý nền đáy ao, pha thêm nước biển hay đưa xuống ao một số loại khoáng (có hàm lượng muối) để duy trì độ mặn (khoảng 1 - 3%o).

Để dân tự ý đưa TCT thả nuôi trong vùng nước ngọt, ngoài quản lý lỏng lẻo của địa phương thì nguyên nhân rất lớn là Cty, đơn vị kinh doanh tôm giống, thức ăn, chế phẩm, thuốc thú y thủy sản. Họ tổ chức cho dân đi thăm các mô hình ở các địa phương đã làm trước, sau đó cung cấp vật tư, con giống...

15-26-50_1-dich-benh-tren-tom-nuoi-dng-quy-tro-li-gy-thiet-hi-cho-nhieu-vung-nuoi-o-dbscl
Dịch bệnh trên tôm nuôi trở lại gây thiệt hại cho nhiều vùng nuôi

Do diện tích thả nuôi tăng mạnh kéo theo sản lượng tăng vượt cầu, dẫn đến giá giảm mạnh. Hiện giá TCT ở ĐBSCL giảm mạnh, chỉ còn 80.000 đ/kg, giảm từ 60.000 - 80.000 đ/kg so với các tháng đầu năm và giảm từ 13.000 - 28.000 so với tháng trước.

Ông Dương Văn Thể, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, tính đến hết tháng 5, dịch bệnh trên tôm nuôi đã gây hại trên địa bàn 232 xã, phường, thị trấn của 60 huyện, thị, thành phố thuộc 19 tỉnh, thành. Tổng diện tích thiệt hại khoảng 14.000 ha, trong đó dịch bệnh gây hại 10.000 ha, còn lại là do tác nhân môi trường.

Đến nay, đã xác định diện tích bị nhiễm bệnh đốm trắng khoảng 5.000 ha, bệnh hoại tử gan tụy cấp 1.700 ha và một số bệnh khác.

Cùng với sự gia tăng về diện tích thả nuôi tôm TCT thì diện tích bị thiệt hại trên đối tượng này cũng ở mức cao. Theo Chi cục NTTS Bạc Liêu, từ đầu năm đến nay diện tích tôm nuôi của tỉnh này bị thiệt hại là 1.503 ha, trong đó riêng tôm TCT thiệt hại 1.063 ha, chiếm 23% diện tích thả giống và 71% diện tích thiệt hại toàn tỉnh.

Qua khảo sát cho thấy, tôm nuôi thâm canh, bán thâm canh bị thiệt hại đa phần liên quan đến hoại tử gan tụy cấp, một số ít có biểu hiện bệnh đốm trắng.

Ông Nguyễn Văn Khởi, PGĐ Sở NN-PTNT Sóc Trăng cho biết, toàn tỉnh đã thả nuôi được 25.000/48.000 ha tôm và diện tích bị thiệt hại đã lên đến 22%. Trong đó, có 2.200 ha nuôi thâm canh bị thiệt hại, chủ yếu là TCT.

“Qua thực tế cho thấy, thâm canh càng cao thì mức độ thiệt hại càng lớn và tuổi thọ môi trường nuôi càng ngắn. Vì vậy, tỉnh khuyến cáo nông dân nuôi thưa, rải vụ hoặc thả nuôi ghép và có thời gian nghỉ giữa các vụ”, ông Khởi nhấn mạnh... 

Nguồn: nongnhghiep.vn