Dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp Nguy cơ lây sang người

Dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp Nguy cơ lây sang người
Trước sự lan rộng và diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, các chuyên gia y tế lo ngại, vi rút nguy hiểm này có thể biến thể và lây sang người, bùng phát thành dịch cúm A/H5N1.
 Lo ngại vi rút biến chủng
 
Theo thông báo của Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, đã có thêm nhiều tỉnh, thành phố công bố dịch cúm gia cầm, với số gia cầm chết và tiêu hủy lên đến hàng vạn con. Ông Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, việc cúm gia cầm tái bùng phát đang dấy lên nỗi lo ngại về dịch cúm A/H5N1 trên người. Nếu người dân không có ý thức phòng bệnh, nguy cơ lây lan cho người rất lớn. Từ đầu năm đến nay, cả nước đã phát hiện 4 ca mắc cúm A/H5N1, trong đó có 2 ca tử vong. "Như vậy, sau gần 2 năm Việt Nam không có ca mắc cúm A/H5N1 nên có thể người dân đã lơ là. Vì vậy, cả hai ca tử vong đều được chẩn đoán và điều trị đặc hiệu cúm khi đã ở giai đoạn muộn, diễn biến nhanh nên dẫn đến tử vong" - ông Bình nhấn mạnh.

Phun thuốc tẩy trùng gia cầm trước khi đến tay người tiêu dùng. Ảnh: Mạnh Dũng

PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư lo ngại: Nguồn gốc các ca bệnh cúm vẫn bắt nguồn từ gia cầm. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là vi rút cúm trên gia cầm đã có sự biến đổi. Cụ thể, Bộ NT&PTNT đã phát hiện sự phân nhánh vi rút 2.3.2 thành 2 nhóm. Với nhóm cũ, vắc xin cúm tiêm cho gia cầm chỉ đáp ứng 75%, trong khi với nhóm mới, vắc xin hiện không có tác dụng, do đó nguy cơ lây lan trong gia cầm và sang người là rất lớn. Ngoài ra, tiến hành xét nghiệm trên các đàn thủy cầm đang nuôi, bán tại nhiều nơi tuy không có biểu hiện bệnh nhưng vẫn mang vi rút H5N1.
 
Nói không với gia cầm  không rõ nguồn gốc
 
Bệnh cúm A/H5N1 ở người do vi rút cúm A/H5N1 gây ra, là bệnh rất nguy hiểm, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, bệnh diễn tiến nhanh, nặng và tỷ lệ tử vong cao nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời. Trong khi đó, vi rút cúm A/H5N1 có thể lây nhiễm từ gia cầm bị bệnh sang người qua con đường tiếp xúc trực tiếp, như giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm, thủy cầm bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, bệnh cũng bị lây nhiễm qua đường ăn uống, như ăn thịt, trứng gia cầm, thủy cầm bị bệnh, ăn tiết canh vịt...
Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, Cục Y tế dự phòng đã có công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh tăng cường giám sát dịch tễ tại các khu vực có ổ dịch cũ, nhất là ổ dịch cúm để chẩn đoán phát hiện sớm, cách ly điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh, đồng thời hạn chế số mắc và tử vong. Tăng cường kiểm dịch y tế biên giới, kiểm tra chặt chẽ khách nhập cảnh đến từ vùng dịch cũng như giám sát gia cầm, thực phẩm nhập khẩu và vận chuyển qua biên giới.

 Vì vậy, TS Nguyễn Văn Bình khuyến cáo, người dân phải thông báo ngay cho chính quyền trong trường hợp phát hiện gia cầm, thủy cầm bị ốm, chết. Hạn chế tiếp xúc và tuyệt đối không ăn thịt gia cầm, thủy cầm bị bệnh để tránh lây nhiễm cúm. Không vận chuyển, mua bán gia cầm, thủy cầm và sản phẩm từ gia cầm, thủy cầm không rõ nguồn gốc.
 Về vấn đề điều trị, theo TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư, những ca bệnh tử vong do cúm A/H5N1 vừa qua do phát hiện bệnh quá muộn khiến việc điều trị rất khó có kết quả tốt. Do đó, các cơ sở y tế cần liên tục cập nhật công tác chẩn đoán, điều trị cúm. Đối với người bệnh, khi thấy có những triệu chứng như sốt cao đột ngột (trên 38,5oC), đau đầu, đau mỏi cơ, ê ẩm mình mẩy, tiêu chảy, ho khan, đau họng… phải đến các cơ sở y tế ngay. Bệnh thường diễn biến rất nhanh, gây khó thở, suy hô hấp, suy đa phủ tạng và dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và cấp cứu kịp thời.
 
Nhật Nguyên
Nguồn:ktdt.com.vn