Dịch tả lợn châu Phi: Bước ngoặt cho ngành chăn nuôi thay đổi?

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, gần như 100% trường hợp bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) phát hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt.

Liệu sau đợt dịch này, ngành chăn nuôi lợn Việt Nam sẽ thay đổi?

trong-ảnh-người-dân-chú-trọng-truy-xuất-nguồn-gốc-sản-phẩm-thịt-lợn-ảnh-mỹ-phương-ttxvn.jpg
Người tiêu dùng tăng mua thịt lợn tại các siêu thị bởi có thể truy xuất nguồn gốc và sản phẩm được kiểm tra kỹ. Ảnh: Mỹ Phương.

Áp lực từ tâm lý người mua

Mặc dù các phương tiện truyền thông cũng như các cơ quan chức năng đã thông tin rất cụ thể về tình hình DTLCP và khẳng định DTLCP chỉ lây lan trên lợn, không lây sang người và các vật nuôi khác, tuy nhiên, tâm lý nhiều người tiêu dùng vẫn tỏ ra e ngại và một số người đã tạm ngưng sử dụng thịt lợn. Điều này đã ảnh hưởng đến sức thiêu thụ cũng như giá thịt lợn trên thị trường.

Song, thịt lợn được xem là món ăn phổ biến trong mâm cơm của người Việt từ lâu, nên thay vì lựa chọn thịt bán trôi nổi, người tiêu dùng chuyển hướng lựa chọn nhiều hơn nguồn thịt đảm bảo chất lượng tại các siêu thị có truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Mặc dù giá bán cao hơn chợ truyền thống nhưng sức mua mặt hàng này những ngày vừa qua tại siêu thị vẫn tăng mạnh. Thông tin từ hệ thống các siêu thị Coop mart, Big C, Vinmart cho thấy, từ khi có DTLCP, sức tiêu thụ thịt lợn không bị ảnh hưởng mà còn tăng khoảng 10-20% so với trước.

Cụ thể, tại hệ thống siêu thị Vinmart, thịt sườn 150.000 đồng/kg; nạc vai 130.000 đồng/kg, nạc thăn 119.000 đồng/kg, cao hơn  tại các chợ dân sinh khoảng 10.000 - 30.000 đồng/kg...

Tương tự, tại siêu thị Big C Thăng Long, thịt lợn có giá 100.000 đồng/kg, thịt lợn xay giá 90.000 đồng/kg, trong khi ngoài chợ chỉ khoảng 60.000 - 80.000 đồng/kg. 

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cũng nhấn mạnh, thịt lợn bán tại hệ thống siêu thị được kiểm soát từ khâu chăn nuôi tới giết mổ; các siêu thị cũng ký kết hợp tác với các doanh nghiệp chuyên cung cấp thịt lợn sạch, đạt tiêu chuẩn như Masan, Vissan, CP…

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết, Sở đã có văn bản yêu cầu các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, các cơ sở kinh doanh thịt lợn phải bán thịt lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, kiểm dịch thú y. Riêng hệ thống siêu thị bố trí kinh doanh từng loại sản phẩm, thực phẩm riêng biệt, đảm bảo về nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm... theo quy định.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội,  khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang, cần chủ động thực hiện ngay các giải pháp phòng bệnh, chăn nuôi theo hướng sinh học gắn với việc xây dựng liên kết chuỗi từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đối với người tiêu dùng, nên sử dụng thịt lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, kiểm dịch đầy đủ…

Không còn chỗ  cho sản xuất nhỏ lẻ?

DTLCP bùng nổ và nhiều người đặt dấu hỏi lớn về khả năng phòng chống dịch bệnh ở các nông trại nhỏ lẻ hiện nay? Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, gần như 100% trường hợp bệnh DTLCP phát hiện tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh và an toàn sinh học không tốt.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay: “Tất cả trang trại quy mô lớn đều làm rất tốt công tác vệ sinh an toàn sinh học, do đó chưa xuất hiện DTLCP”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, bày tỏ mong muốn sau những đợt dịch như hiện nay, ngành chăn nuôi  sẽ có bước “lột xác” thực sự. Đầu tiên  là Luật Chăn nuôi hiện nay đã có. Bên cạnh đó, chăn nuôi bài bản hơn, năng suất hơn kéo theo giá thành sản xuất cũng được kéo xuống. Nếu giá thành chăn nuôi trên toàn quốc kéo xuống mức khoảng 30.000 đồng/kg, sức cạnh tranh với thịt lợn nhập khẩu ở thị trường nội địa sẽ tăng lên rất nhiều.

“Thực ra, Việt Nam có tới mấy triệu nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng các nông hộ trước giờ nuôi theo kiểu “bỏ ống”, tức là tận dụng thời gian nhàn rỗi để chăn nuôi lợn, khi nào heo lớn thì bán, chứ không nghĩ tới tăng năng suất bằng kĩ thuật bài bản”, ông Công nói.

Ông Công dẫn chứng,  Nhật Bản chỉ có 1 triệu con lợn nái và họ cũng phải nhập khẩu thức ăn chăn nuôi. Thế nhưng từ 1 triệu con lợn nái họ lại sản xuất được 28 triệu con lợn thịt một năm. Còn Việt Nam có tới 3,5 triệu con nái nhưng chỉ sản xuất được 30 triệu con lợn thịt mỗi năm. Như vậy, năng suất chăn nuôi của Nhật gấp 3,5 lần Việt Nam.

Việt Nam chỉ cần giảm 1 triệu nái nhưng thay đổi về con giống, thay đổi tập quán, kĩ thuật, sẽ nâng năng suất và giảm giá thành rất nhiều. Thử tính 1 triệu con nái, mỗi con ăn 2kg thức ăn/ngày. Nếu giảm 1 triệu con nái, chúng ta tiết kiệm được 2 triệu kg thức ăn/ngày.

Đồng thời, cần đẩy mạnh các mô hình chăn nuôi theo quy mô trang trại và doanh nghiệp chính là “đầu tàu” dẫn dắt, áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học gắn với chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Có như vậy, ngành chăn nuôi mới thực sự phát triền bền vững và an toàn.

Theo Thanh Tâm/kinhtenongthon.vn