Doanh nghiệp nông sản Việt chưa thật sự sẵn sàng cho EVFTA

Doanh nghiệp nông sản Việt chưa thật sự sẵn sàng cho EVFTA
Theo tiến sĩ Đào Thế Anh, PGĐ Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, việc chưa có quy hoạch vùng trồng, tổ chức hoạt động chuỗi cung ứng một cách khoa học khiến các doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường EU.

“Đi khắp Việt Nam không tìm được DN đáp ứng được yêu cầu”

Trao đổi với Dân Việt, tiến sĩ (TS) Đào Thế Anh, PGĐ Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết, việc ký kết thành công hiệp định thương mại EVFTA là điều kiện rất tốt để thúc đẩy xuất khẩu nông sản.

Với việc giảm thuế, tiếp cận với thị trường cao cấp, chuyên nghiệp, đây là cơ hội lớn cho các DN, người sản xuất của Việt Nam học hỏi chuỗi xuất khẩu bền vững.

Tuy nhiên, theo TS. Đào Thế Anh, với năng lực của các DN, đơn vị sản xuất trong nước hiện tại, việc đáp ứng các yêu cầu của thị trường châu Âu vẫn còn nhiều khó khăn, một số mặt hàng không thể đáp ứng nổi.

“Theo tôi, việc ký kết thành công EVFTA mới chỉ là một tiêu chí bước đầu, con đường xuất khẩu của nông sản Việt vẫn còn nhiều khó khăn. Vì thị trường châu Âu có yêu cầu cao nhất trên thế giới với các tiêu chuẩn thay đổi liên tục, cập nhật danh mục các chất mới.” TS. Đào Thế Anh cho biết.

 doanh nghiep nong san viet chua that su san sang cho evfta hinh anh 1

Việc đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường châu Âu vẫn là "gánh nặng" đối với DN Việt Nam.

Với điều kiện vật chất còn hạn chế, quy mô sản xuất nhỏ lẻ chưa được quy hoạch cụ thể của các vùng. Đối với DN, yếu tố khó khăn trong việc tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do là thông tin cam kết và thực thi từ phía cơ quan nhà nước. 

Bên cạnh đó, quy tắc xuất xứ khó khăn, các cam kết phức tạp, không dễ đọc, hiểu và chuẩn bị, tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng sản phẩm liên tục thay đổi trong khi khả năng của DN còn yếu gây giảm năng lực cạnh tranh.

Theo TS. Đào Thế Anh, EU sẵn sàng đặt hàng với số lượng lớn, thường xuyên với các cam kết đảm bảo cho DN Việt Nam. Đặc biệt đối với các ngành hàng hoa quả, với lợi thế của nước nhiệt đới, EU là thị trường rất tiềm năng của Việt Nam, tuy nhiên, tìm được đơn vị đáp ứng được hết các tiêu chuẩn không phải chuyện dễ.

“Chúng tôi nhận được rất nhiều đơn đặt hàng trái bơ từ các nước châu Âu. Thậm chí họ đã gửi đơn sang nhưng chúng tôi vẫn chưa tìm được nguồn cung đủ chất lượng yêu cầu với số lượng lớn. Một số HTX làm trái cây xuất khẩu nhưng năng lực sản xuất còn yếu, nhỏ lẻ, chưa được quy hoạch vùng trồng một cách chuyên nghiệp, vẫn theo kiểu tự phát.

Trong khi hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu đi châu Âu rất phức tạp, HTX phải có mã vùng trồng để truy suất nguồn gốc, có các chứng chỉ được châu Âu công nhận. Chúng tôi đã đi khắp Việt Nam nhưng chưa tìm được đơn vị nào đáp ứng được yêu cầu của đối tác, đa phần các vùng trồng còn không có chứng chỉ GlobalGAP.” TS. Đào Thế Anh nói.

Ngoài ra, TS. Đào Thế Anh thông tin thêm, tại Việt Nam các dịch vụ hậu cần cho ngành hàng xuất khẩu như chiếu xạ, đông lạnh còn quá ít và đắt. Việc ngành logicstic kém phát triển làm giảm năng lực cạnh tranh ngành xuất khẩu nông sản.

“Hiện nay, chúng ta hướng tới việc làm ăn với thị trường cao cấp, chuyên nghiệp nên cần giữ uy tín. Trước giờ các lô hàng xuất khẩu không được kiểm soát tốt, đặc biệt các lô hàng thủy sản chất lượng khá tốt vẫn bị trả về. Chúng ta cần đảm bảo các tiêu chuẩn giảm tỉ lệ bị trả về, tránh tình trạng một DN làm sai, cả ngành hàng xuất khẩu bị mất uy tín.” TS. Đào Thế Anh khẳng định.

Khi nào nông sản Việt vươn tầm tới “trời” Âu?

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), châu Âu là thị trường xuất khẩu nông-lâm-thủy sản lớn thứ hai (chiếm 15-17%) của Việt Nam, chỉ đứng sau Trung Quốc.

Nhưng hiện tại, các DN trong ngành nông nghiệp vẫn không dễ dàng tiếp cận thị trường này. Được biết, số lượng DN hoạt động trong ngành nông sản còn ít nên tính cạnh tranh không cao, tính đến cuối năm 2018, chỉ có 9.235 doanh nghiệp hoạt động trong ngành nông-lâm-ngư nghiệp, đối với một quốc gia có nền kinh tế nông nghiệp, con số trên không lớn.

Bên cạnh đó, hiện nay, khi tham gia EVFTA, các DN được đánh giá chưa sẵn sàng để tận dụng những tiềm năng thương mại từ hiệp định. Không có nhiều DN hiểu rõ về hiệp định cũng như hạn chế về khả năng thay đổi để thích ứng với những yêu cầu từ thị trường châu Âu.

 doanh nghiep nong san viet chua that su san sang cho evfta hinh anh 2

Nông sản Việt vẫn gian nan tìm đường ra quốc tế.

Theo ông Tuấn, nguyên nhân làm hạn chế khả năng thích ứng với EVFTA là do DN trong nước có quy mô nhỏ chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc kinh doanh quốc tế. Để đáp ứng được tiêu chuẩn của châu Âu, các DN phải tăng đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, phát triển và sản xuất nhưng điều này lại kéo theo chi phí gia tăng. 

Với các DN nhỏ và vừa, việc thực thi các quy định về sở hữu trí tuệ, đăng ký quyền sở hữu trí trí tuệ hay tuân thủ quy tắc về lao động và môi trường cũng vượt quá so với năng lực. Với nông sản nhập khẩu nguyên liệu về chế biến cùng không nhiều DN đáp ứng được quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho biết, thị trường châu Âu kiểm soát chặt chẽ các tiêu chuẩn về nguồn gốc xuất xứ và độ an toàn thực phẩm của nông sản.

Hiện nay, 8,6 triệu hộ sản xuất nông nghiệp vẫn chưa liên kết với nhau, do đó, các hộ cần liên kết với nhau để gia tăng tính minh bạch trong tất cả các công đoạn sản xuất từ nguyên liệu cho đến chế biến và tổ chức thị trường để đưa sản phẩm đi xuất khẩu.

Ngoài ra, bộ trưởng bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thông tin thêm, cơ quan này sẽ phối hợp với bộ NN&PTNT để tăng cường việc khai thác và mở rộng thị trường cho các DN ngành nông trong 3 trục ngành hàng chính. Bộ Công thương cũng sẽ sát cánh trong việc xúc tiến thương mại, xử lý giải quyết tranh chấp trong ban phòng vệ thương mại hoặc tái cơ cấu công nghệ để tăng tính hiệu quả trong đầu tư sản xuất nông nghiệp.

Theo Thanh Phong/danviet.vn
http://danviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep-nong-san-viet-chua-that-su-san-sang-cho-evfta-1008511.html