Độc đáo: Bản hòa nhạc chỉ nghe tiếng cồng cộc của người Mường Phú Thọ

Độc đáo: Bản hòa nhạc chỉ nghe tiếng cồng cộc của người Mường Phú Thọ
Những chiếc chày gỗ chắc nịch từ đôi tay rắn khỏe của người phụ nữ Mường giơ lên, giã xuống chiếc cối gỗ ( gọi là đâm đuống) nhịp nhàng, phát ra âm thanh kêu cồng cộc, cồng cộc... nghe như một bản hòa nhạc, góp phần mang đến không khí vui tươi, rộn ràng cho Ngày hội Văn hóa Thể thao và Du lịch các dân tộc Tây Bắc diễn ra tại tỉnh Sơn La.

Ngày hội Văn hóa Thể thao và Du lịch các dân tộc Tây Bắc tổ chức tại Sơn La đã thu hút đông đảo người dân các dân tộc và du khách thập phương đến thăm quan, trải nghiệm. Mỗi dân tộc đem đến cho ngày hội những nét văn hóa sinh hoạt cộng đồng riêng lôi cuốn người xem, trải nghiệm, khám phá. Trong đó, phải kể đến là tục đâm đuống của người Mường Phú Thọ.

 doc dao: ban hoa nhac chi nghe tieng cong coc cua nguoi muong phu tho hinh anh 1

Tục đâm đuống của người Mường Phú Thọ.

Được biết, tục đâm đuống là một nét văn hóa đặc sắc của người Mường sinh sống ở Phú Thọ, Hòa Bình được lưu truyền qua nhiều thế hệ, được hình thành từ điều kiện sống lao động sản xuất của người Mường. Là cách những người phụ nữ xứ Mường dùng chày giã gạo bằng cối gỗ hình chiếc thuyền độc mộc để tách những hạt lúa ra khỏi bông.

 doc dao: ban hoa nhac chi nghe tieng cong coc cua nguoi muong phu tho hinh anh 2

Tục đâm đuống chủ yếu chỉ có phụ nữ tham gia.

Tục đâm đuống thường được người Mường tổ chức vào dịp tết, hội mùa, cưới xin hay dựng nhà mới, với ước muốn cầu cho mưa thuận gió hòa mùa màng bội thu, người dân gặp nhiều may mắn quanh năm.

 doc dao: ban hoa nhac chi nghe tieng cong coc cua nguoi muong phu tho hinh anh 3

Âm thanh đuống càng vang xa thì năm đó sẽ càng mưa thuận gió hòa mùa màng bội thu, người người gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.

Tục đâm đuống rất đặc biệt bởi người tham gia chỉ có phụ nữ. Tùy theo chiều dài chiếc đuống mà các đôi chia từng cặp đứng đối diện nhau dọc theo đuống, thường thì 3 cặp trở lên, thường thì người lớn tuổi đứng trước. Mỗi người có một chiếc chày gỗ dài vừa tầm tay, giã xuống thân đuống theo nhịp, phát ra những âm thanh thú vị như một bản hòa nhạc vang khắp bản mường.

 doc dao: ban hoa nhac chi nghe tieng cong coc cua nguoi muong phu tho hinh anh 4

Những đôi tay khéo léo của người phụ nữ Mường tiến hành nghi thức đâm đuống.

Chị Hà Thị Vân đến từ xã Kim Thượng (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) người thường tham gia trong các hội đâm đuống, phấn khởi chia sẻ: Đâm đuống là một nét văn hóa đặc sắc mang nhiều ý nghĩa của người Mường chúng tôi, nó thể hiện sự trân trọng thành quả lao động, ước muốn về cuộc sống ấm no, bình yên, hạnh phúc.

 doc dao: ban hoa nhac chi nghe tieng cong coc cua nguoi muong phu tho hinh anh 5

Đâm đuống luôn tạo không khí vui tươi, rộn rã, lôi cuốn nhiều người tham gia.

Còn chị Đặng Thị Bích Hậu, cho hay: Đâm đuống nhìn thì đơn gian nhưng để thực hiện rất khó, người phụ nữ phải có đôi tay khỏe vì đâm đuống có thể kéo dài cả giờ đồng hồ. Đặc biệt là phải làm đồng nhịp với người cùng tham gia.

 doc dao: ban hoa nhac chi nghe tieng cong coc cua nguoi muong phu tho hinh anh 6

Các chị em phụ nữ Mường tham gia đâm đuống.

 doc dao: ban hoa nhac chi nghe tieng cong coc cua nguoi muong phu tho hinh anh 7

Theo Quốc Định/danviet.vn
http://danviet.vn/nha-nong/doc-dao-ban-hoa-nhac-chi-nghe-tieng-cong-coc-cua-nguoi-muong-phu-tho-1006621.html