Dồn sức ngăn chặn cúm A/H7N9 tràn vào VN

Dồn sức ngăn chặn cúm A/H7N9 tràn vào VN
Một cuộc họp nóng nhằm cung cấp những thông tin mới nhất về chủng virus cúm A của Bộ Y tế chiều ngày 4/5 đã khiến nhiều người lo lắng, bởi nguy cơ bùng phát một đại dịch mới với tỷ lệ tử vong cao rất có thể xảy ra, nếu chúng ta không dồn sức ngăn chặn.

Gia cầm khỏe vẫn mang virus bệnh

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long mở đầu bằng thông tin mới nhất mà Bộ vừa cập nhật từ Tổ chức Y tế thế giới: Trong khi nhiều nước trên thế giới chưa hết kinh hoàng khi thấy tỷ lệ tử vong vì cúm A/H1N1 chỉ từ 5-10%, dịch SARS khoảng 10,8% thì tỷ lệ tử vong nếu nhiễm virus cúm A/H7N9 sẽ trên 20%.

Hiện nay, bệnh không chỉ diễn ra trên diện rộng, nhiều tỉnh của Trung Quốc mà đã lây sang vùng lãnh thổ Đài Loan với ca mắc bệnh đầu tiên sau chuyến đi công tác tại Trung Quốc của hành khách này. Mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp phòng ngừa nhưng do là chủng virus cúm mới, chưa tìm ra thuốc đặc trị nên số trường hợp mắc tại Trung Quốc vẫn tăng lên từng ngày.

Riêng tại Việt Nam, chưa ghi nhận trường hợp cúm A/H7N9 trên người cũng như trên gia cầm. Tuy nhiên, dịch bệnh cúm A/H7N9 có nguy cơ xâm nhập lan truyền và gây bùng phát dịch rất cao ở nước ta, bởi VN có chung đường biên giới dài với Trung Quốc, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc kiểm soát nhập khẩu, buôn bán, nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm.


Cách ly càng sớm người bệnh và người lành sẽ hạn chế sự lây lan của virus cúm

Cũng theo thứ trưởng Long, khó khăn hơn khi gia cầm, thủy cầm mang virus cúm A/H7N9 nhưng bề ngoài vẫn rất khỏe mạnh càng gây khó khăn trong việc kiểm soát. Trong khi đến thời điểm này vẫn chưa có vắcxin phòng bệnh cúm A/H7N9, miễn dịch cộng đồng chưa có và các biện pháp phòng bệnh vẫn chủ yếu là vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng.

Ngoài 3 chủng virus cúm A (H1N1, H5N1 và H7N9), Bộ Y tế cũng lo ngại khi tính mạng của người dân đang bị đe dọa bởi bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do chủng mới của virus Corona có thể xâm nhập vào Việt Nam qua việc nhập cảnh của những người đến từ vùng có ca bệnh như Ả- rập Xê- út, Qatar, Vương quốc Anh... Đây là bệnh gây tử vong rất cao, có khả năng lây truyền từ người sang người và hiện nay chưa có vắcxin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Tại cuộc họp,  ông Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho hay, đặc tính của virus cúm A/H7N9 là dễ biến đổi, thích nghi cao với động vật có vú nên nguy cơ lây từ người sang người là có thể xảy ra.

Ông cũng cho biết thêm về ca nghi ngờ cúm A/H7N9 là một người Trung Quốc từ tỉnh Giang Tô (nơi có bệnh nhân cúm A/H7N9 tại Trung Quốc): Bệnh nhân này nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Lạng Sơn ngày 24/4 với triệu chứng sốt cao, viêm họng và ngày 26/4 bệnh nhân này đã tử vong tại Hà Tĩnh.

“Chúng tôi đã cách ly toàn bộ đoàn 70 người đi cùng bệnh nhân này, lấy mẫu xét nghiệm bệnh phẩm và thở phào khi kết quả cho thấy bệnh nhân âm tính với cúm A/H7N9”, ông Phu nói.

Giám sát chặt các cửa khẩu

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, vừa phải đối mặt với dịch cúm A/H7N9 đang đe dọa, vừa phải tăng cường phòng chống hai chủng virus cúm A là H5N1 và H1N1 nên khâu giám sát, phát hiện ca bệnh sớm được đặt lên hàng đầu.

Vì vậy, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các địa phương tăng cường hơn nữa công tác kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu biên giới, tăng cường việc giám sát các trường hợp mắc bệnh viêm phổi nặng nghi do virus tại các cơ sở y tế và cộng đồng, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.

Một số tin vui Bộ Y tế cung cấp chiều ngày 4/5:

+ Chùm ca bệnh với gần 40 người nhiễm cúm A/H1N1 ở Lào Cai đã được ngành y tế khống chế, không có thêm người mắc mới.

+ 100% mẫu bệnh phẩm chim yến, người nuôi ở Ninh Thuận, gia cầm tại trang trại gà huyện Yên Thế (Bắc Giang), chợ đầu mối lớn ở miền Bắc… đều âm tính với cúm A/H7N9.

 

Bộ Y tế sẽ phối hợp với ngành Nông nghiệp giám sát chặt chẽ sự lưu hành virus cúm A/H7N9 và cúm A/H5N1 trên các đàn gia cầm; xử lý triệt để các ổ dịch và triển khai các hoạt động phòng chống dịch lây lan sang người.

Ngoài ra, Bộ tiếp tục chỉ đạo hệ thống khám chữa bệnh thiết lập mạng lưới sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân phát hiện sớm trường hợp đầu tiên, không bỏ sót để tránh dịch lây lan trong cộng đồng. Tuy nhiên chưa khẳng định dịch lây nhiễm từ người sang người nên chưa có khuyến cáo người dân đeo khẩu trang.

Ngoài ra, việc thực hành vệ sinh cá nhân, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh trong giết mổ, không sử dụng gia cầm ốm, chết, không vứt thả các gia cầm ốm, chết dọc theo các kênh mương… là rất quan trọng trong lúc này.

“Người dân cần lưu ý, ngay cả sản phẩm gia cầm làm sạch, trứng sạch vẫn có nguy cơ mang mầm bệnh H7N9 nên cần xử lý chế biến đúng cách như nấu chín trước khi ăn để tránh nguy cơ nhiễm bệnh”- thứ trưởng Long khuyến cáo. Riêng với thông tin có nhiều gia đình đưa con em đến các Trung tâm y tế để tiêm phòng vắcxin cúm, theo thứ trưởng Long, đây là việc làm hoàn toàn đúng và nên làm trong lúc này.

* Hôm nay (6/5), Bộ NN-PTNT phối hợp Bộ Y tế tổ chức Hội nghị huy động nguồn lực cho công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9 ở Việt Nam với sự tham gia của nhiều tổ chức quốc tế như WHO, FAO, Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (USCDC)...
 

Nongnghiep.vn