Đồng bằng sông Cửu Long: Xâm mặn sớm đe dọa sản xuất nông nghiệp
- Thứ bảy - 12/01/2013 02:47
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Có nơi xâm mặn tới 40km
Thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, tình hình xâm nhập mặn ở các địa phương ĐBSCL năm nay xuất hiện sớm và sâu hơn năm trước. Theo đó, sáng ngày 9.1, độ mặn cao nhất trên hệ thống sông tại ĐBSCL đã đạt tới mức 8,2%0. Cụ thể, trên sông Hậu, độ mặn đo được tại Đại Ngãi (cách cửa biển khoảng 40km) là 4,1%0; Long Phú (cách cửa biển khoảng 20km) là 7,6%0; Trần Đề (gần cửa biển) là 13,8%0; trên sông Mỹ Thanh (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) đo tại Thạnh Thới Thuận là 8,2%0; trên Sông Cổ Chiên đo tại Hưng Mỹ (cách cửa biển khoảng 20km) là 4,1%0; tại Trà Vinh (cách cửa biển khoảng 30km) là 8,0%0 và Láng Thé (cách cửa biển khoảng 38km) là 4,1%0.
Đo độ mặn trên kênh rạch để chủ động ứng phó hạn, mặn ở Hậu Giang. |
Thông thường, vào thời điểm này, hàng năm chưa xuất hiện tượng xâm ngập mặn, mà chỉ bắt đầu xuất hiện ở mức độ nhẹ từ đầu tháng 2 trở đi. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mặn xâm nhập sớm vào sâu trong đất liền là do nước thượng nguồn xuống thấp, không đủ mạnh để đẩy ra, mặn cùng với đó, do triều cường lên cao kết hợp với tác động của gió mùa đông bắc.
Tình hình xâm nhập mặn xuất hiện sớm sẽ ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất lúa của người dân, nhất là các vùng ven biển như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng… Chính quyền các địa phương đã khuyến cáo người dân cần chủ động tiến hành tích trữ nước ngọt để sử dụng trong thời gian nước mặn xâm nhập; đối với sản xuất, người dân cần theo dõi thời điểm nước triều xuống, khi độ mặn giảm tới mức cho phép thì chủ động tích nước, lấy nước vào đồng.
Chủ động ứng phó
Ông Lê Công Chinh ở xã Bình Thới, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre cho biết: “Mấy ngày nay nước mặn tràn về nên người dân quanh vùng đã bắt đầu lấy nước vào ao tôm để chuẩn bị cho vụ nuôi tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, nước mặn về sớm sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Thông thường người dân ở khu vực phải sử dụng nhiều lu chứa nước ngọt để sử dụng. Những gia đình không có điều kiện thì mua nước ngọt với giá khá cao…”.
Ông Nguyễn Minh Giám - Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ nhận định:
Từ tháng 2 trở đi tình hình xâm nhập mặn sẽ tăng cao. Do đó, người dân cần chủ động tiến hành tích trữ nước ngọt để sử dụng trong thời gian tới; đồng thời cũng cần theo dõi thời điểm nước triều xuống, khi độ mặn giảm tới mức cho phép thì chủ động tích nước, lấy nước vào đồng phục vụ sản xuất.
Hữu Ký
Tại Hậu Giang, dự báo tình hình khô, mặn sẽ diễn ra từ tháng 2 đến tháng 3 nhưng ngành nông nghiệp đã chủ động ứng phó với hạn, mặn. Ông Lê Văn Đời – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang cho biết: “Hiện nay các trà lúa đông xuân trong giai đoạn đồng trổ nên dự kiến sẽ thu hoạch trước khi nước mặn về.
Tuy nhiên, các địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng do nước mặn xâm nhập như: Long Mỹ, TP. Vị Thanh, Châu Thành A… đã chủ động ngăn mặn bằng hệ thống đập, cống… để đảm bảo đủ nước ngọt cho sản xuất vụ lúa hè thu sau Tết Nguyên đán”.
Dự kiến đến cuối tháng 3.2013 sẽ có khoảng 35.000ha lúa hè thu xuống giống trên địa bàn tỉnh Hậu Giang sẽ ảnh hưởng trực tiếp bởi hạn, mặn.
Mai Hoàng