Đưa chính sách đến sát nông dân
- Thứ bảy - 02/07/2016 09:52
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hội thảo do Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nông Thôn Ngày Nay cùng CLB Phóng viên 3N-Club tổ chức.
30 năm, 3 giai đoạn chính sách
Chính sách có vai trò dẫn đường giúp người nông dân đẩy mạnh sản xuất. Tuy nhiên, chính sách phải sát với thực tế, lấy nông dân làm chủ thể thì mới đi vào cuộc sống (ảnh minh họa).
Ảnh: Việt Tùng
Chúng ta cứ nói “Nông dân là chủ thể”, nhưng trong đàm phán hợp đồng không có bóng dáng của nông dân, thì chủ thể kiểu gì. Làm chủ thì phải sở hữu tài sản, đất đai, quyền định đoạt giá sản phẩm của mình...”. Nhà báo Hoàng Trọng Thủy
|
Mở đầu buổi hội thảo, TS Đặng Kim Sơn – nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển nông thôn (IPSARD) chia sẻ, chính sách đóng vai trò quyết định trong thành công đột phá của nông nghiệp Việt Nam. Thành tựu nổi bật nhất trong 30 năm đổi mới của Việt Nam là từ thiếu lương thực đến vị trí quốc gia xuất khẩu (XK) hàng đầu thế giới về 5-7 mặt hàng, tạo ổn định chính trị xã hội, chủ yếu do nông nghiệp, nông dân, nông thôn đóng góp.
Trong 30 năm qua, có 3 giai đoạn chính sách. Một là cởi trói, trả quyền cho dân tự do hóa thương mại. Chính phủ trực tiếp chỉ đạo từ trên xuống dưới, tạo nên sức mạnh trong dân. Đầu tư nông nghiệp giảm nhưng mức độ tăng trưởng kỷ lục trên thế giới, khoảng 13,5%. Hai là chính sách tạo hành lang, chính phủ không cầm tay chỉ việc nhiều mà chuyển sang quản lý, giám sát định hướng giúp xử lý, ngăn chặn các trường hợp thiên tai địch họa, gian lận thương mại… Đây là điều kiện để đẩy mạnh xuất khẩu, tiến vào thị trường thế giới ngoạn mục, thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn. Ba là, Chính phủ kiến tạo, mở đường phối hợp phục vụ cho người dân. Sức ép đầu tư theo kiểu trợ cấp cho nông dân rất lớn, ngay ở các nước có nền kinh tế thị trường cũng rơi vào tình trạng này, chứ không riêng gì các nước chuyển đổi sang kinh tế thị trường.
TS Sơn nhấn mạnh: “Điển hình là Thái Lan trợ cấp cho nông nghiệp nặng nề, lúa gạo trợ cấp cả đầu vào lẫn đầu ra. Trong vùng Đông Nam Á không chính phủ nào không trợ cấp cho nông nghiệp. Cho thẳng tiền mua phân, giống, mua nông sản với giá cao, làm méo mó thị trường... Trung Quốc, Nga cũng làm mạnh việc này, sau đó lấy thuế từ đô thị đầu tư trở lại cho nông dân. Vậy Chính phủ Việt Nam có nên thế không?”.
“Kéo” doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp
Nhiều ý kiến cho rằng để các mô hình phát triển, đời sống của người dân được nâng cao, ngoài việc hỗ trợ cho người dân trực tiếp sản xuất, Nhà nước cần có một cơ chế thông thoáng, “kích cầu” nhằm kéo các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
TS Nguyễn Trí Ngọc – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Tổng hội NNPTNT Việt Nam quan tâm vấn đề tạm trữ lúa gạo: “Khi lúa được mùa, nhiều báo cáo, báo chí cho là vai trò của quản lý nhà nước tốt. Nhưng khi giá thấp, trách nhiệm lại thuộc về nhà nước. Tôi cho rằng, trong giai đoạn mới nhà nước phải thay đổi quyết liệt tư duy làm chính sách, lợi ích nhóm và nếu không thay đổi thì chắc chắn không mang lại hiệu quả. Và tôi cũng đề nghị các cơ quan báo chí nên phân tích theo khía cạnh đó, thay đổi tư duy làm chính sách giúp bộ, ngành như công thương, NNPTNT làm chính sách để chính sách đi vào cuộc sống”.
Nhà báo Hoàng Trọng Thủy - nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nông Thôn Mới cho rằng, chính sách có vai trò dẫn đường. Từ 2009-2014, Nhà nước ban hành 28 chính sách lớn về đất đai, vốn tín dụng, khuyến nông, thương mại, nông sản, dân sinh, nông thôn mới… Nhìn vào cơ cấu chính sách thì thấy, về KHKT quá ít, trong khi người nông dân phải vượt qua 4 đỉnh núi-vốn, KHKT, thương hiệu và thị trường. Mâu thuẫn là sản xuất nhỏ và thị trường lớn.
Ông Thủy cho rằng: “Về báo chí, tôi cho rằng cách tiếp cận chính sách là có nhưng chỉ chạy theo thông tin, còn việc phân tích tại sao như vậy thì thiếu cây bút sắc sảo, cách tiếp cận với chuyên gia còn ngại ngần, bài báo ít số liệu minh chứng cụ thể... Do đó tôi cho rằng, để phản biện chính sách các nhà báo cần phải đầu tư thêm”.
Chia sẻ vấn đề này, nhà báo Lan Hương (Đài Tiếng nói Việt Nam) cũng cho rằng: “Thực tế, mỗi chính sách mới mà Nhà nước ban hành thường rất được báo chí, công chúng và người dân quan tâm, hy vọng, nhưng khi đi vào thực hiện thì mới thấy có rất nhiều vấn đề. Đơn cử như chính sách về bảo hiểm nông nghiệp hay hỗ trợ cơ giới hóa và giảm tổn thất sau thu hoạch… lúc mới ban hành, ai cũng nghĩ nông nghiệp thay đổi đến nơi, nông dân sướng đến nơi rồi, nhưng thực tế thì lại thất bại”. Do đó, theo nhà báo Lan Hương, bên cạnh việc tuyên truyền về các chính sách mới, các nhà báo cũng cần phải có những bài phản biện, góp ý xây dựng chính sách sao cho thực tế hơn với người nông dân.
Trao giải cuộc thi viết “Nông dân và Hợp tác” Sáng 30.6.2016, tại trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam (Hà Nội), đã diễn ra Lễ trao giải Cuộc thi viết về chủ đề “Nông dân và Hợp tác” lần thứ nhất – 2016. Cuộc thi viết do Hội Nhà báo Việt Nam trực tiếp thành lập Ban chỉ đạo, Ban tổ chức và Ban giám khảo. Nhà Văn hóa Hội Nhà báo Việt Nam, CLB Phóng viên 3N-Club (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) và Báo Nông Thôn Ngày Nay phối hợp tổ chức thực hiện.
Phóng viên Báo NTNN – Dân Việt đoạt giải Nhì cuộc thi viết Nhà báo Lưu Quang Định – Tổng Biên tập Báo NTNN, Chủ nhiệm CLB Phóng viên 3N-Club cho biết, chỉ sau hơn 2 tháng phát động (tháng 4.2016), Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 318 tác phẩm dự thi từ các tác giả chuyên và không chuyên. Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao Chứng nhận của Hội Nhà báo Việt Nam và phần thưởng cho 16 tác phẩm xuất sắc nhất. Một giải Nhất (trị giá 15 triệu đồng) đã được trao cho nhóm tác giả Vũ Xuân Linh – Nguyễn Thị Vân Anh (Báo điện tử VietNamNet) với loạt bài “Từ cú ngã ngựa đầu tiên đến thương hiệu lọt Guiness”. Hai giải Nhì (10 triệu đồng/tác phẩm) được trao cho nhóm tác giả của Báo Nông Thôn Ngày Nay với loạt bài “Đi tìm Hợp tác xã kiểu mới” và tác giả Lê Thanh Long -Báo Cần Thơ với loạt bài “Xây dựng cánh đồng mẫu lớn ở ĐBSCL: Khởi đầu cho một mô hình nông nghiệp lớn”. |