Dưa hấu trong nước không còn nhiều
- Thứ sáu - 28/03/2014 09:28
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Dưa hấu được trồng tại Nam Trung bộ vụ ĐX này, đến nay sau hơn 1 tháng thu hoạch một lượng lớn dưa đã được tiêu thụ nên lượng dưa còn lại trên đồng ruộng không nhiều...
Trồng dưa hấu đòi hỏi trời phải khô nắng, nếu gặp mưa sẽ phát sinh rất nhiều dịch bệnh đặc biệt là đang trong thời kỳ ra trái nếu gặp mưa liên tục kéo dài 2 – 3 ngày trái sẽ bị thối.
Tại các tỉnh nam miền Trung mùa mưa thường kết thúc cuối tháng 11 hàng năm, do vậy đến tháng 12 hầu hết người dân tại đây bắt đầu xuống giống vì thời gian này không có mưa, nhiệt độ khá mát mẻ rất thích hợp cho cây phát triển.
Vụ dưa này cũng ít bị “đụng hàng” vì không trùng với lịch thời vụ dưa của các địa phương khác, còn Trung Quốc - nước có nhu cầu sử dụng dưa làm thực phẩm khổng lồ cũng không trồng được dưa trong thời gian này do thời tiết giá lạnh buộc phải mua dưa Việt Nam với số lượng lớn.
Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, để tránh tình trạng dồn ứ thì người nông dân phải trồng rải vụ, không xuống giống đồng loạt. Để làm được điều này cần tuyên truyền cho nông dân hiểu, đặc biệt, nên chăng mỗi tỉnh trồng nhiều dưa hấu thành lập một hiệp hội trồng dưa, hoặc liên kết THT, HTX, để từ đó có những thông tin trao đổi giữa các tỉnh về diện tích dưa bao nhiêu, xuống giống thời gian nào, từ đó điều tiết hợp lý diện tích dưa, điều tiết được giá cả. |
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, vụ này tại các tỉnh nam miền Trung (Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên), diện tích dưa hấu mỗi tỉnh chưa tới 1.000 ha.
Tuy nhiên, do đồng loạt xuống giống trong khi đó dưa hấu lại thu hoạch rất tập trung, lợi dụng tình trạng này các thương lái đã ép giá nông dân.
Ông Đào Minh Hường, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi cho biết: Sản xuất dưa hấu phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc. Do dưa hấu đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn khoảng 60 - 70 triệu đồng/ha, mặt khác đầu ra không ổn định nên chính quyền và ngành chức năng khuyến cáo người dân không nên ồ ạt trồng vì có thể bị thua lỗ nặng.
Tuy nhiên, trồng dưa hấu thời gian rất ngắn chỉ sau hơn 2 tháng là cho thu hoạch nếu vào đợt giá cao thì lợi nhuận mang lại hiếm có một loại cây trồng nào cao bằng, mỗi ha có thể lãi hàng trăm triệu đồng. Do lợi nhuận cao người dân đã chấp nhận rủi ro.
Theo ông Nguyễn Văn Long, người chuyên trồng dưa ở thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, khi dưa dồn ứ giá rớt rất nhanh, có thể xuống còn 2.000 – 3.000 đồng/kg, nhưng có thể chỉ vài hôm sau, giá bật lên 5.000 – 7.000 đồng/kg vì hết hàng.
Theo số liệu thống kê, vụ này tại Phú Yên diện tích trồng dưa hấu gần 600 ha tập trung tại các huyện miền núi Sông Hinh, Đồng Xuân và Sơn Hòa, đến thời điểm này người dân đã thu hoạch được khoảng 50 – 60% sản lượng dưa, với năng suất khoảng 35 – 40 tấn/ha.
Lượng dưa hấu của nông dân tỉnh Phú Yên đạt khoảng 20.000 tấn và đến nay đã có trên 10.000 tấn được thu hoạch.
Tại Quảng Ngãi, diện tích dưa hấu khoảng 500 - 700ha, đã thu hoạch được trên 70%.
Tại Bình Định diện tích dưa gần 1.000ha, đang bắt đầu thu hoạch rộ.
Như vậy lượng dưa hiện nay của người nông dân trên đồng ruộng không phải quá nhiều.
Theo tính toán, với lượng dưa hấu được tiêu thụ sang Trung Quốc khoảng 6.000 tấn mỗi ngày như hiện tại (chỉ riêng cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn) thì chỉ trong vòng tuần nữa lượng dưa hấu của nông dân miền Trung sẽ được tiêu thụ hết lúc đấy lại có thể trở nên khan hiếm.
Một cán bộ Cty chuyên cung ứng hạt dưa hấu giống cho biết, nhu cầu dưa hấu của người dân Trung Quốc rất lớn, lượng xuất sang Trung Quốc chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, có bao nhiêu họ mua hết bấy nhiêu.
Có thể do lượng xe thông quan mỗi ngày có hạn mà lượng xe chở dưa đổ về cửa khẩu tăng mấy ngày qua nên mới xảy ra tình trạng dồn ứ cục bộ, lợi dụng điều này các thương lái trong nước ép giá nông dân, chứ bên thị trường Trung Quốc dưa không hề mất giá, dưa vẫn đạt 2,5 nhân dân tệ/kg, tương đương với 9.000 – 10.000 đồng/kg.
Mai Phương
Theo nongnghiep.vn