Dưa lê vùng gió cát

Ông Võ Tiến Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) chia sẻ, cây dưa lê được nông dân cần mẫn ươm trồng mỗi năm 2 vụ trên đất cát pha luôn cho năng suất cao. Nắng càng gắt, càng khét thì dưa càng nhanh lớn và ngọt lừ.

Thu nhập 200 triệu đồng/ha

Theo ông Hùng, đến nay xã Quảng Phú đã có trên 60 hộ trồng dưa lê với diện tích hơn 20 ha. Hộ trồng nhiều khoảng 5 sào, ít thì 1 - 2 sào. Bà con cứ theo nhau học mà làm, lâu ngày thành ra có kinh nghiệm. Về giống thì cứ vụ trước để lại vụ sau nhưng cũng thấy trúng vụ lắm. Mấy năm liền đều cho nắng suất cao. Chỉ mõi giá cả là chưa được ổn định.

Ông Trương Văn Thi, 45 tuổi, thôn Phú Lộc 3 phấn khởi dẫn chúng tôi ra ruộng dưa. Ông kéo mấy thân cây lên để lộ hàng chục quả dưa màu trắng xanh nhỉnh hơn nắm tay người lớn. “Nhà tôi trồng dưa lê đã hơn 5 năm, diện tích chừng 5 sào. Vụ một bắt đầu trồng từ tháng 1 đến tháng 4 là thu hoạch. Vụ thứ hai trồng từ tháng 6 đến tháng 9. Cây dưa lê dễ trồng, rất phù hợp với chân ruộng cao, dạng đất cát pha.


Cây dưa lê có hiệu quả cao ở đồng đất Quảng Phú

Giống này chống chịu với thời tiết khắc nghiệt rất tốt. Năm nào trời càng nắng thì cây đậu quả nhiều hơn và quả nhanh lớn. Trước đây, bà con có làm giàn cho dưa. Nhưng sau đó thấy cũng tốn kém và dễ bị gió nam làm hỏng quả nên bây giờ chỉ làm vồng đất lên cho cây bò”, ông Thi phấn khởi.

Khi chúng tôi hỏi vì sao không mở rộng thêm diện tích trồng dưa lê, ông Thi trả lời: “Nếu với diện tích chừng đó thì gia đình đảm bảo được công chăm sóc, tiền đầu tư ban đầu. Điều quan trọng là sức tiêu thụ cũng chưa được lớn lắm nên mở rộng cũng đáng lo lắm. Nếu không tiêu thụ được thì thiệt hại đủ đường”.

Gia đình ông Võ Tiến Hòa (thôn Nam Lãnh) chia sẻ: “Đúng là không có cây chi dễ tính như dưa lê. Sau khi lên luống, chỉ cần bón phân chuồng là được, gieo hạt xong chỉ vài lần vun gốc khi cây bò phủ đất. Không bón bất cứ loại phân hóa học nào. Chưa thấy năm nào dưa bị sâu bệnh.

Nếu thời tiết thuận lợi, từ khi trồng đến lúc thu hoạch chỉ khoảng 70 ngày. Với 2 hai sào dưa lê năm ngoái cho thu nhập mỗi vụ trên 10 triệu đồng. Năm nay, dưa đẹp và trái nhiều nên có thể năng suất cao hơn...".

Theo người trồng dưa lê ở Quảng Phú, vào đầu vụ dưa có giá từ 9.000 - 10.000 đ/kg, giữa vụ từ 4.000 - 5.000 đ/kg và cuối vụ, khi lượng quả thu hoạch ít đi, giá dưa lại tăng lên 6.000 - 7.000 đ/kg. Năm nay giá dưa lê tương đối ổn định, hộ nào chăm sóc tốt, một sào trung bình cũng được 6 - 7 tạ quả, nhà nào kém hơn cũng được 5 tạ. Trừ chi phí, mỗi sào 500 m2 cho thu hoạch ít nhất 5 triệu đồng. Hộ chăm sóc tốt, cây dưa kéo dài thời gian thu hoạch thì thu nhập lên 6 - 7 triệu đ/sào.

“Tính ra thu nhập từ trồng dưa lê trên 100 triệu đồng/ha. Nếu tính 2 vụ thì đạt được hơn 200 triệu ha/năm, gấp 3 - 4 lần trồng lúa, đó là chưa kể cũng trên chính diện tích này còn trồng xen được cây rau, màu khác như đậu, dưa bở, dưa chuột.

Tuy nhiên, cũng như nhiều sản phẩm khác của người nông dân, phần lãi của họ chẳng đáng gì nếu so với lãi của trung gian. Ông Võ Tiến Hùng khá băn khoăn với việc giá mua của thương lái và giá bán cho người tiêu dùng chênh lệch quá lớn. “Họ mua cho nông dân giá từ 5.000 - 7.000 đ/kg, trong khi đó, tại các chợ người tiêu dùng phải mua 25.000 đ/kg.

Ông Võ Thanh Xuân, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú:

“Toàn xã có khoảng 600 ha đất canh tác thì có đến 1/2 diện tích trong quy hoạch khu công nghiệp Hòn La. Ngoài diện tích trồng lúa, còn có 40 ha đất trồng rau màu các loại. Dưa lê dễ trồng và ít công chăm sóc, lại phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nên cho năng suất khá cao, trung bình khoảng 10 - 12 tấn/ha. Chúng tôi cũng có kế hoạch hỗ trợ bà con mở rộng diện tích để tăng thu nhập”.

Theo nongnghiep.vn