Dùng hai bằng đại học để... làm nông

Tốt nghiệp ngành toán tin, Trường Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh và ngành xuất nhập khẩu, Trường Đại học Ngoại thương, nhưng điểm dừng chân của anh Đào Minh Quý lại là HTX Chăn nuôi Tân Hòa Phú, xã Hành Tín Tây (Nghĩa Hành).

Bôn ba không qua vận... quê

Năm 2000, sau khi tốt nghiệp đại học, anh Quý làm việc tại cảng Tân Cảng, TP.Hồ Chí Minh và được đơn vị cử đi đào tạo ở các nước Châu Âu. Về nước, tiếp cận với môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại, nhưng bị đối tác xem “như chân sai vặt”, anh Quý nản lòng. Vì vậy, ba năm sau, anh Quý rời nhiệm sở và thi vào Trường Đại học Ngoại thương. “Chẳng biết có phải do duyên số với nông nghiệp hay không mà khi ra trường, mình toàn đầu quân cho những doanh nghiệp chuyên sản xuất kinh doanh thực phẩm hoặc giống, phân bón, vật tư nông nghiệp”, anh Quý chia sẻ.

 

 dung hai bang dai hoc de... lam nong hinh anh 1

Anh Quý với ý tưởng xây dựng chuỗi giá trị trong chăn nuôi.

Từng làm việc tại Tập đoàn nông nghiệp Monsento (Mỹ), Tập đoàn thực phẩm Châu Âu Erofood đến Công ty Việt Mỹ, Dương Minh... anh Quý đúc kết: "Sau khi chế biến, giá trị của những sản phẩm nông nghiệp Việt Nam cao gấp 10 - 15 lần. Có điều, chế biến sản phẩm thì ai cũng làm được. Nhưng xây dựng thương hiệu và chứng nhận chất lượng sản phẩm thì phải là tập thể".

Đến năm 2012 - 2013, khi làm việc cho Tập đoàn Monsento và phụ trách thị trường các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên, anh Quý đã “thai nghén” việc xây dựng một tổ hợp tác chăn nuôi khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Trong đó, điểm nhấn là nguồn thức ăn sẽ tận dụng từ các phế phẩm nông nghiệp tại địa phương để lên men sinh học. Ý tưởng này nhận được sự ủng hộ của những người bạn “cùng chí hướng làm nông”, nhưng lại bị các bà vợ phản đối! Vì vậy, mãi đến tháng 8.2016, khi hay tin HTX Chăn nuôi Tân Hòa Phú ra đời, anh Quý quyết tâm về quê.

Để ổn định sản lượng, anh Quý và Ban quản trị HTX Chăn nuôi Tân Hòa Phú đã kiến nghị UBND xã Hành Tín Tây cho thuê 6ha đất để đầu tư xây dựng các khu sản xuất giống, chăn nuôi thương phẩm, chế biến thức ăn và xử lý môi trường. Tuy nhiên đến thời điểm này, chính  quyền địa phương vẫn chưa bố trí được quỹ đất, khiến hoạt động sản xuất của HTX gặp rất nhiều khó khăn.

 

Từ một quản lý với thu nhập nghìn đô la mỗi tháng, anh Quý khiến gia đình, vợ con hụt hẫng khi đầu quân cho HTX Tân Hòa Phú với mức lương... 1 triệu đồng/tháng. Biết vậy, anh Quý an ủi vợ con: “Bôn ba đâu qua vận quê. Về quê chăm chỉ làm nông cũng sẽ sống khỏe mà!”. 

Vững tin vào nông nghiệp

Trong khi người chăn nuôi trong tỉnh lao đao vì giá heo hơi giảm mạnh, thương lái chèn ép, thì xã viên HTX Chăn nuôi Tân Hòa Phú vẫn đủ sức vượt khó. Nhờ HTX đầu tư lò mổ và tiêu thụ luân phiên heo, nên xã viên HTX không phải rơi vào cảnh “bán thì thương, vương thì nợ”. Dù chỉ là giải pháp tình thế, nhưng động thái này cũng đã củng cố niềm tin của xã viên vào HTX.

Với kinh nghiệm làm việc nhiều năm trong các tập đoàn sản xuất kinh doanh thực phẩm, anh Quý xây dựng chiến lược phát triển riêng cho HTX là “ổn định sản lượng, đồng nhất chất lượng”.

Xã Hành Tín Tây và một số địa phương lân cận có nguồn nông sản như bắp, đậu, mì, lúa gạo... dồi dào, rất thuận lợi trong việc sản xuất thức ăn theo quy trình lên men sinh học. Đây là điều kiện thuận lợi để hình thành khu vực chăn nuôi sạch, nói không với thức ăn tổng hợp và chất kích thích tăng trưởng. Nhưng vấn đề nan giải là sản lượng cung ứng không ổn định. “Xã Hành Tín Tây là khu vực trũng, thường xuyên ngập lụt, nên mùa nắng bà con tập trung tái đàn, còn mùa mưa lại “treo chuồng”, nên nguồn cung bị biến động”, anh Quý chia sẻ.

Vấn đề tồn tại trong phát triển tập thể là “chín người mười ý”. Có hộ không tuân thủ quy trình sản xuất, thậm chí còn e ngại, bất hợp tác trước những kế hoạch phát triển dài hạn của HTX. Giải quyết vấn đề này, anh Quý phải làm cho xã viên biết được lợi ích cũng như trách nhiệm khi tham gia HTX bằng cách minh bạch, công khai tài chính, hoạt động của HTX.

Sau đó, làm cho họ hiểu thế nào là “thương mại nông nghiệp” với những điều khoản, nội dung ràng buộc trong sản xuất. “HTX hỗ trợ kỹ thuật, quy trình lên men thức ăn, đảm bảo đầu vào và đầu ra... nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả. Còn xã viên phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi của HTX, nhằm đảm bảo ổn định về số lượng, đồng nhất về chất lượng. Ai vi phạm sẽ bị loại khỏi HTX”, anh Quý khẳng định.

Tác giả bài viết: Mỹ Hoa - Báo Quảng Ngãi