Đuổi đói nghèo đi, đón no ấm về

Là tỉnh đặc biệt khó khăn với hơn 20 dân tộc thiểu số sinh sống, vấn đề an ninh lương thực đã được tỉnh Điện Biên hết sức coi trọng.

Nhiều năm qua, việc đầu tư hệ thống kênh mương, hồ chứa nước thủy lợi luôn được ưu tiên trong nguồn ngân sách của tỉnh nhằm tạo ra hệ thống tưới và tiêu nước chủ động ngày một lớn. Các tuyến giao thông kiên cố cũng lan tỏa rộng tới những địa bàn đông dân cư, khu sản xuất để tạo thuận lợi cho nhân dân làm ăn.

 

Vấn đề an ninh lương thực ở Điện Biên đang dần được giải quyết. K.T
Tới bản Tọ Nọ, xã Ẳng Cang, huyện Mường Ẳng, chị Lò Thị Thu -  người dân của bản cho hay: “Bản Tọ Nọ này trước đây nghèo thiếu đất sản xuất. Cứ vào dịp cuối năm Nhà nước lại phải hỗ trợ lương thực cho nhiều bản. Nhưng những năm gần đây, kênh mương thủy lợi nhiều hơn, chúng tôi được hướng dẫn về tạo nguồn nước, cải tạo đất nương thành đất ruộng và được Nhà nước hỗ trợ làm ruộng bậc thang. Nhờ thế mà dân bản có nhiều ruộng hơn, năng suất cũng cao hơn nhiều so với đất khô cằn trước đây. Số hộ nghèo vì vậy mà giảm đi nhiều, hộ đói không còn nữa”.

 

Đến Mường Chà - huyện nhiều khó khăn của tỉnh Điện Biên, càng thấy rõ đổi thay trong cơ cấu cây trồng, vật nuôi của các bản làng. Trên những nương rẫy khô cằn đã xuất hiện hàng chục ha dứa cao sản. Anh Mùa A Sản - dân bản Cổng Trời, xã Na Sang, bảo: “Cây dứa này cho nhiều tiền lắm đấy. Tôi chỉ trồng hơn 2.000 gốc dứa nhưng năm vừa rồi thu hơn 20 triệu đồng. Cũng diện tích ấy, nếu trồng lúa nương thì chỉ được hơn 1 tạ thóc thôi. Năm nay tôi trồng thêm 5.000 gốc dứa nữa. Ở xã này bà con đã trồng gần 30ha dứa rồi”.

Tại bản Pờ Ham 2, xã Pa Ham, anh Thào Seo Lùng cho biết: “3 năm nay dân bản đã áp dụng trồng ngô MX2 trên đất nương, thu nhập cao hơn so với giống ngô cũ từ 4-5 tạ/ha. Ở những chân ruộng không thể gieo cấy lúa do thiếu nước, bà con được hỗ trợ giống thay thế giống đỗ tương DT84, dong riềng, sắn cao sản…”. Không chỉ với cây trồng, con vật nuôi cũng được tỉnh Điện Biên đầu tư hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật. Anh Lùng cho biết thêm: Nhiều hộ đã được dạy cách chăn nuôi tốt hơn, được hỗ trợ trâu, bò, dê, gia cầm sinh sản… Do đó đời sống của bà con được cải thiện, vì vậy, số hộ đứt bữa do thiếu đói giảm đi nhiều. Nhà tôi cũng vươn lên thoát được hộ nghèo trong 2 năm nay.

Được biết, riêng năm 2014, diện tích, năng suất, sản lượng và chất lượng lương thực của Điện Biên đều tăng, bình quân lương thực đầu người đạt 462kg/người/năm, tăng 3,32% so với năm 2013.

Theo danviet.vn