Gặp nông dân rồi chỉ muốn làm... nông dân

Cuối tuần qua, Báo Nông Thôn Ngày Nay đã tổ chức chuyến đi thực địa khu vực phía Nam cho các nhà văn, nhà báo trong khuôn khổ cuộc thi viết chân dung “Tự hào Nông dân Việt Nam” do Báo và Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền phối hợp tổ chức.
Các nhà văn, nhà báo thú vị với xuồng bán cua, tôm trên đường bơi xuồng vào rừng U Minh Hạ thăm vườn trái cây của ông Trần Văn Cường.

Ba ngày lội sình băng rừng, dầm mưa dãi nắng trên các cánh đồng của 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau đã tạo ra nhiều “chất liệu” cho các nhà văn, nhà báo về chân dung những người nông dân tiêu biểu hôm nay.

Khổ để... thành công

Choáng ngợp trước cái căn nhà hoành tráng ngay giữa những cánh đồng ở xã Công Điền, huyện Vĩnh Trạch (TP.Bạc Liêu) của “bác sĩ tôm” Lê Anh Xuân, nhà văn Trúc Linh Lan - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.Cần Thơ đã thốt lên: “Muốn làm nông dân quá!”.

Ai cũng hiểu, đó là cảm xúc biểu lộ sự thán phục của nhà văn. Càng phấn khích hơn khi câu chuyện về cơ ngơi của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh do ông Xuân tạo lập từ hai bàn tay trắng này được kể lại, những người cầm bút trong đoàn công tác đã như bị “thôi miên”.

Theo ông Xuân, cách đây 12 năm, vừa tốt nghiệp kỹ sư nuôi trồng thủy sản tại Nha Trang, ông đã quyết định xuôi Nam lập nghiệp với chỉ 20.000 đồng trong túi. Từ căn phòng trọ 300.000 đồng/tháng, ông lao ra các vuông tôm làm việc trực tiếp với người nông dân, kết hợp với kiến thức đã học để nghiên cứu quy trình nuôi tôm sạch.

Sau đó, ông quyết định khởi nghiệp kinh doanh với 11 công đất được cho mượn (khoảng 760m2 mặt nước nuôi trồng) và đã thành công. Các chế phẩm vi sinh của doanh nghiệp Trúc Anh không chứa dư lượng thuốc kháng sinh, hóa chất và được bà con nông dân tín nhiệm vì giúp đơn giản hóa quy trình nuôi, sản phẩm thu hoạch sau cùng là con tôm sạch.

Báo chí đặt cho ông Xuân biệt danh “bác sĩ tôm” cũng vì thành tích chữa bệnh trên tôm nuôi bằng các chế phẩm của mình. Doanh thu hằng năm của công ty đạt từ 40-45 tỷ đồng từ chế phẩm vi sinh và 14ha ao nuôi. Tháng 3 vừa qua, các sản phẩm của ông Xuân đã vinh dự đoạt Giải thưởng Bạc chất lượng quốc gia. Kết thúc buổi trò chuyện với đoàn, ông Xuân nói vui: “Đời tôi may mắn nhất là… được khổ, khổ để hoàn thiện mình và thành công”.

Mỗi mảnh đời một câu chuyện

Trong chuyến đi thực địa này, cứ mỗi khi đi thăm mô hình sản xuất nào của nông dân, nhà văn Nguyễn Ngọc Tuyết (Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật TP. Cần Thơ) cũng thấy hay. Đến bất kỳ mô hình nào, nữ nhà văn này cũng xắn ống quần, xách dép, lội bộ hàng cây số trên con đường đất sình lầy để vào tìm hiểu.

Chứng kiến mô hình nuôi cá chình của ông Nguyễn Văn Ánh ở khóm 2, phường Tân Thành, TP.Cà Mau, bà Tuyết cười nói: “Những nông dân này là nông dân thứ thiệt. Đã là nông dân, mà giỏi là giỏi thật chứ không thể giỏi giả được”.

Theo ghi nhận của phóng viên NTNN, trong chuyến đi này, các nhà văn, nhà báo luôn rất hào hứng để khám phá những gương nhân vật mà mình sắp “đổ bộ”. Nhà báo Vũ Thống Nhất - Văn phòng đại diện Báo Sài Gòn Giải Phóng tại ĐBSCL và nhà văn Nhật Hồng là những người thường đặt những câu hỏi thực tế mà chính nhà nông cũng rất muốn bật ra ngay những bức xúc.

Trả lời câu hỏi về vấn đề muôn thuở của nông dân như trồng gì, nuôi gì, phụ thuộc thương lái như thế nào về giá cả, ông Trịnh Văn Hùng - nông dân sản xuất lúa giỏi ở ấp Ninh Lợi, xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình, Bạc Liêu cho biết, họ không thể dự phòng được giá lúa.

“Thương lái thường ép giá vào giữa vụ khi hàng nhiều và chỉ nâng giá lên chút đỉnh ở đầu và cuối vụ khi hàng ít” - ông nói. Và khi nông dân khẳng định hầu như chẳng được hưởng gì xung quanh chính sách đảm bảo người trồng lúa có lãi 30%, cây bút gạo cội của Báo Sài Gòn Giải Phóng ghi ngay vào sổ tay cái tít bài báo rất “kêu” là: “Một nền nông nghiệp nhiều rủi ro”.

Chuyến đi của đoàn kết thúc trong cơn mưa xối xả giữa rừng U Minh Hạ. Cả đoàn 12 người leo lên một chiếc vỏ lãi vượt qua gần 6 cây số đường sông để đến thăm điểm cuối cùng là những vườn cam, bưởi, vú sữa, đu đủ của ông Trần Văn Cường ở ấp 14, xã Khánh Hòa, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau. Cuộc gặp gỡ được ủ ấm bởi những tách trà nóng thanh ngọt và những câu chuyện về làm giàu của ông Cường.

Tuy được đánh giá là thành công với vườn tược hoa màu, nhưng chính ông Cường và những người khách đến thăm cũng thấy được sự bấp bênh của nghề nông. “Không tính xa được đâu, chỉ bữa cơm hằng ngày thôi hà” - ông Cường tâm sự...

 
Chứng kiến mô hình nuôi cá chình của ông Nguyễn Văn Ánh ở khóm 2, phường Tân Thành, TP.Cà Mau, nhà văn Nguyễn Ngọc Tuyết cười nói: “Những nông dân này là nông dân thứ thiệt. Đã là nông dân, mà giỏi là giỏi thật chứ không thể giỏi giả được”.
 Theo danviet.vn