Ghi chép: Nông thôn khủng hoảng vì “bão” dịch tả lợn châu Phi
- Thứ năm - 30/05/2019 21:12
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nông hộ phá sản, kéo theo doanh nghiệp, đại lý bán cám, thuốc thú y cũng điêu đứng, chưa kể những hệ lụy về ô nhiễm môi trường còn kéo dài âm ỉ về sau… Đã có nhiều lời cảnh báo ngay từ khi dịch bệnh nguy hiểm này xuất hiện ở Trung Quốc, vì sao nó vẫn lây lan, gây thiệt hại khủng khiếp như vậy?
Bài 1: Làng quê im bặt tiếng lợn kêu
Ngày 28/5, chúng tôi có mặt tại ổ DTLCP ở xã Hải Đông, huyện Hải Hậu (Nam Định) mà không khỏi rùng mình khi khắp nơi là một màu trắng xóa của vôi bột, không khí trong làng ngoài xã buồn tênh, không nghe một tiếng lợn kêu. Cùng với những giọt nước mắt đau xót, uất nghẹn của người nông dân lam lũ là những cánh cửa trại không buồn khép. Hình ảnh cả xã Hải Đông có 10 phần lợn thì chết mất 9, phần còn lại cũng đang chật vật cầm cự…
Số lợn chỉ còn 10%...
Những hố chôn lợn chết như thế này có rất nhiều ở các tỉnh như: Hải Dương, Bắc Giang, hay Nam Định. Ảnh: P.Q
Ông Nguyễn Minh Dưỡng - Chủ tịch UBND xã Hải Đông cho biết, thu nhập chính của bà con trong xã đều từ chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy hải sản... Đợt dịch này làm ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của các hộ chăn nuôi lợn. Đáng nói là phần lớn các hộ nuôi lợn quy mô nhỏ lẻ đều là hộ nghèo và cận nghèo, “đại dịch” xảy ra đã khiến nhiều hộ lâm cảnh đường cùng, phải bán đất, bán trại lấy tiền trả nợ. |
Theo ông Nguyễn Minh Dưỡng - Chủ tịch UBND xã Hải Đông, ngày 22/3 trên địa bàn huyện Hải Hậu bắt đầu xuất hiện ổ DTLCP đầu tiên và đến nay dịch đã lây lan ra nhiều nơi, số lượng lợn chết, trang trại bị dịch tăng lên từng ngày...
Ông Dưỡng cho hay, trước khi DTLCP xuất hiện, cả xã có hơn 6.782 con lợn. Tuy nhiên sau trận dịch “càn quét”, đến nay số lượng lợn tại địa phương này đã giảm xuống chỉ còn 600 con và vẫn đang tiếp tục giảm, chết dịch từng ngày, đẩy người dân đến đường cùng. “Dù số lượng lợn sót lại còn rất ít nhưng cứ với đà lây lan dịch như hiện tại thì trong thời gian tới, trên địa bàn xã sẽ không còn con lợn nào nữa” - ông Dưỡng lo lắng.
Cũng theo ông Dưỡng, sau hơn 50 ngày công bố dịch, đến ngày 27/5, toàn xã Hải Đông đã phải tiêu hủy 3.981 con với khoảng 177 tấn lợn. Khi phát hiện có dịch tại các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn, xã đã thành lập tổ công tác xuống lập biên bản, kiểm đếm và tiến hành tiêu hủy các con lợn bị chết dịch.
“Ngay khi có dịch, xã đã lập 6 chốt kiểm dịch, không cho vận chuyển và tiêu thụ ra bên ngoài nhằm hạn chế sự lây lan. Công tác kiểm đếm, tiêu hủy lợn dịch luôn được xã làm quyết liệt, bài bản và công khai, minh bạch” - ông Dưỡng thông tin.
Nông dân kiệt quệ
Đang dọn cỏ bên bờ mương trong làng, thấy chúng tôi hỏi chuyện, bà Gương - nông dân ở xã Hải Đông, lắc đầu nói: "Hết khủng hoảng giá lợn, rồi lại dịch lở mồm long móng, giờ lại thêm DTLCP, thất bại chồng thất bại, nông dân chúng tôi trắng tay rồi".
Phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại hố chôn lợn vì nhiễm virus dịch tả heo châu Phi.
Kể từ năm 2017 đến nay, DTLCP là “cơn bão” thứ 3 càn quét, tàn phá, đẩy người chăn nuôi đến bước đường cùng. Lần thứ nhất, từ cuối năm 2016, cơn “bão giá” đẩy giá lợn hơi xuống mức đáy 16.000 đồng/kg và kéo dài sang suốt năm 2017 khiến hàng vạn hộ chăn nuôi điêu đứng, sạt nghiệp. Chưa kịp vực dậy để phục hồi, cuối năm 2017, đầu năm 2018 lại bị dịch lở mồng long móng, lại thêm những hộ chăn nuôi trắng tay, nợ nần. Năm nay, từ sau tết đến giờ, DTLCP và thông tin thịt có sán lợn tấn công trại nuôi khiến lợn chết, thị trường ế ẩm, giá bán giảm... |
Đôi mắt bà Gương sưng húp, bởi bao ngày nay bà và nhiều nhà nông khác, đã mất ăn mất ngủ vì DTLCP tấn công trang trại của gia đình.
Bà sụt sùi nói: "Nhà tôi từng nuôi khá nhiều lợn, trải qua khủng hoảng giá lợn hồi năm 2017 chúng tôi vẫn cố gắng duy trì chăn nuôi, nhưng cuối năm 2018 thì lợn bị dịch lở mồm long móng, thiệt hại nặng khiến gia đình rơi vào “vực thẳm”. Nhưng vẫn không kinh hoàng bằng đợt DTLCP vừa qua, sức càn quét thật khủng khiếp, chỉ trong thời gian ngắn hơn 400 con lợn của gia đình đã chết và phải tiêu hủy...".
“Bây giờ ngày nào cũng có người đến đòi nợ tiền cám, tiền con giống khiến gia đình tôi buộc phải rao bán trại. Mà cũng chỉ là cái trại không, trống rỗng thôi. Nhà đất thì sổ đỏ đang nằm trong ngân hàng nên không bán được, tôi đang sợ bán trại đi thì sau này lấy gì mà sống...” - bà Gương nói trong nước mắt.
Tiếp phóng viên, ông Nguyễn Văn Luật (ở xóm Tây Cát, xã Hải Đông), nghẹn ngào nói: “Lần này thì hết thật rồi chú ạ, chúng tôi trắng tay thật rồi, giờ chỉ còn lại một đống nợ thôi...”.
Từng là hộ nuôi lợn nhiều nhất, nhì ở xã Hải Đông nhưng đến giờ cũng chính con lợn đã đẩy gia đình ông Luật xuống vực thẳm. “Bão giá rồi đến dịch bệnh đã khiến người chăn nuôi vô cùng mệt mỏi. Lần này, DTLCP quét nhanh quá, mạnh quá khiến chúng tôi không kịp trở tay, bao nhiêu vốn liếng đều đi theo đàn lợn vừa rồi...” - ông Luật lắc đầu, thất thần khi nhìn chuồng trại tan hoang của mình.
Đợt dịch lần này khiến gia đình ông Luật thiệt hại hơn 1 tỷ đồng, hy vọng duy nhất của vợ chồng ông lúc này là khoản tiền hỗ trợ tiêu hủy lợn dịch của nhà nước để trả nợ lãi và tiền thức ăn... “Gia đình tôi đang rất cần khoản tiền hỗ trợ này để trang trải nợ nần, chăn nuôi trở lại nhưng chưa biết bao giờ mới có..." - ông Luật bày tỏ.
Xót xa nhìn lợn chờ chết
Đến lúc này, gia đình ông Nguyễn Học ở thôn Ngọc Hòa, xã Vĩnh Hòa, huyện Ninh Giang - chủ trang trại lớn nhất nhì ở Hải Dương, vẫn không hiểu vì sao dịch bệnh có thể "xóa sổ" toàn bộ đàn lợn chỉ trong vài ngày.
Cơ quan chức năng huyện Ninh Giang (Hải Dương) tiến hành cân lợn trước khi đem đi tiêu huỷ. Ảnh: Đ.Tuỳ
Nhìn khu chuồng trại trống hoác, ông Học xót xa nói: "Kể từ khi đàn lợn bị tiêu hủy, đây là lần thứ 2 tôi xuống trại nhưng vẫn không thể quen được cảnh này. Hơn 10 năm nuôi lợn, trang trại nhà tôi chưa bao giờ bị dịch bệnh. Vậy mà giờ đây DTLCP ập đến, hơn 1.000 con lợn đủ loại, từ lợn nái đến lợn con chết dần, khiến lực lượng chức năng phải mất tới 5 ngày mới tiêu hủy hết. Kinh tế của gia đình tôi giờ kiệt quệ".
Được biết trang trại của ông Học có tổng vốn đầu tư hơn 11 tỷ đồng. Đợt dịch này, trang trại của ông buộc phải tiêu hủy 207 con lợn nái, 650 lợn con và 360 con lợn thịt với tổng trọng lượng hơn 106 tấn. Theo quy định, gia đình ông được nhà nước hỗ trợ hơn 4,7 tỷ đồng, nhưng ông vẫn thiệt hại gần 2 tỷ đồng vì phần lớn lợn bị tiêu hủy là nái ngoại và lợn đực giống có giá trị cao.
Những hộ có lợn chết phải tiêu huỷ đã thê thảm, những hộ có lợn khoẻ, hay lợn nằm chờ chết còn xót xa hơn.
Chuồng lợn nhà ông Nguyễn Đức Bảy ở xã Đông Phú, huyện Lục Nam (tỉnh Bắc Giang) giờ chỉ còn vài con. Con thì nằm thoi thóp chờ chết, con thì đang gắng gượng ăn chút thức ăn cuối cùng. Ông Bảy vẫn cho lợn ăn với niềm hi vọng nhỏ nhoi “còn nước, còn tát”, biết đâu sẽ có phép màu. Ông cũng không nỡ mang những con lợn còn sống đi chôn vì quá đau xót.
Ông Bảy cho biết, những ngày qua DTLCP đã cướp đi của gia đình ông 200 con lợn. Số lợn chết này gia đình ông hàng ngày phải tự khiêng đi chôn, vì cán bộ thú y xã cũng đang… bận phải đi chôn rất nhiều lợn chết ở nơi khác.
Lực lượng chức năng tiến hành vệ sinh quanh khu vực chuồng trại, phun thuốc tiêu độc khử trùng nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan. Ảnh: Đ.Tùy
http://danviet.vn/nha-nong/ghi-chep-nong-thon-khung-hoang-vi-bao-dich-ta-lon-chau-phi-983931.html