Giá chuối lên, giá tiêu xuống, dân ồ ạt chặt tiêu trồng chuối
- Thứ tư - 18/04/2018 10:54
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sau đợt “giải cứu” chuối ế vào năm ngoái, vụ thu hoạch năm nay cây chuối lại cho lợi nhuận cao vì từ đầu vụ đến nay luôn sốt giá. Ngược lại, giá hồ tiêu lại rớt thảm do cung vượt cầu. Do đó, nông dân đang đua nhau chặt tiêu để trồng chuối và các loại cây khác.
Một vườn tiêu rộng 2 ha tại xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom) vừa bị chặt bỏ dự định chuyển sang trồng chuối xuất khẩu.
Việc “trồng - chặt, chặt - trồng” theo phong trào này tiềm ẩn nhiều rủi ro và câu chuyện nông sản tiếp tục chờ “giải cứu” vẫn chưa có hồi kết.
Chuối sốt giá, tiêu rớt hạng
Vài tháng trở lại đây, vùng trồng chuối xuất khẩu tại các xã Thanh Bình, Cây Gáo (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) luôn sôi động thông tin về thu hoạch chuối cấy mô xuất khẩu. Nhiều hộ trồng chuối đang thu lợi nhuận tiền tỷ từ bán chuối gây xôn xao dư luận. Trong khi đó, cây tiêu đang đứng tốp đầu cây trồng kém hiệu quả vì mất mùa, dịch bệnh bùng phát mà giá bán lại luôn đứng ở mức thu không đủ bù chi. Vì thế, nhiều nhà vườn đang ồ ạt chặt tiêu trồng chuối.
Về các xã Thanh Bình, Cây Gáo, huyện Trảng Bom những ngày này, chỉ cần bám theo những trục đường giao thông lớn vẫn dễ dàng tìm được cả chục vườn tiêu bị chặt bỏ. Chủ một vườn tiêu vừa dọn sạch 2 ha tiêu chuẩn bị chuyển sang trồng chuối tại xã Thanh Bình chia sẻ: “Vườn tiêu này trồng được 4 năm, bắt đầu cho thu hoạch thì xuất hiện dịch bệnh. Thời gian đầu chỉ vài sào tiêu bị dịch bệnh, rồi lan rộng dần. Tôi tốn rất nhiều thuốc, phân để cứu vãn nhưng cuối cùng đành chặt bỏ. Tôi đang cho dọn đất để chuẩn bị xuống giống chuối xuất khẩu hy vọng gỡ gạc được phần nào thua lỗ từ cây tiêu...”.
Chủ một vườn tiêu khác tại xã Cây Gáo đang cho thợ cưa bỏ các trụ tiêu còn tươi tốt để chuyển sang trồng tiêu cho biết: “Với giá bán hiện nay, vườn tiêu càng để lâu càng lỗ vốn mà rủi ro mất mùa, dịch bệnh lại cao. Trong khi đó, 1 ha đất ở vùng này cho thuê trồng chuối đã thu được từ 50-70 triệu đồng/năm”.
Tình trạng bỏ tiêu chuyển sang các loại cây trồng khác cũng đang diễn ra tại nhiều địa phương trên địa bàn Đồng Nai. Ông Dương A Nhì, nông dân tại xã Sông Thao (huyện Trảng Bom), nhận xét: “Trước đây, tôi bỏ bớt cà phê để xen canh cây tiêu. Giờ tiêu không cho lợi nhuận, công thu hoạch vừa khó tìm vừa cao nên tôi đang chặt bớt tiêu. Từ khi tiêu liên tục rớt giá, người dân ở vùng này đua nhau chặt tiêu để trồng chuối, trồng cây có múi...”.
Nhiều rủi ro của "cái vòng trồng-chặt, chặt-trồng"
Ông Lưu Chí Mười, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Bình, cho hay: “Toàn xã có khoảng 70 ha tiêu bị chặt bỏ và đều chuyển qua trồng giống chuối xuất khẩu. Đa số diện tích tiêu bị chặt bỏ này đều là tiêu bị bệnh hoặc già cỗi, kém năng suất. Trong khi đó, nhiều người cũng đang về vùng này lùng thuê đất trồng chuối, có người sẵn sàng trả tiền thuê đất đến 70-80 triệu đồng/năm cho 1 ha đất. Việc chạy theo phong trào trồng chuối như hiện nay tiềm ẩn rất nhiều rủi ro vì đầu ra cho trái chuối xuất khẩu hiện phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái Trung Quốc”.
Vườn tiêu tại xã Cây Gáo (huyện Trảng Bom) đang bị chặt bỏ để trồng chuối. Ảnh: B.Nguyên.
Bà Trương Thùy Trang, chủ vựa chuối Tiến Trang tại xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom), nhận xét: “Từ đầu vụ đến nay, giá chuối xuất khẩu luôn đứng ở mức cao nhưng chỉ cần các vườn đồng loạt thu hoạch là giá chuối lập tức giảm đến vài ngàn đồng/kg. Vì mặt hàng này hiện chỉ có thương lái Trung Quốc tiêu thụ nên vụ này trúng giá, vụ sau đổ bỏ không ai mua như năm ngoái vẫn có nguy cơ tái diễn”.
Theo ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) - một trong những vùng trồng nhiều chuối cấy mô của Đồng Nai, hiện xã Thanh Sơn có trên 200 ha trồng chuối cấy mô. Tuy vùng này có trên 100 ha tiêu bị chặt bỏ vì dịch bệnh, kém hiệu quả nhưng nông dân không trồng chuối mà chọn trồng thay thế bằng cây có múi và cây ăn trái khác...