Giá nông sản từ vườn ra chợ
- Thứ hai - 24/02/2014 02:09
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Giá tại vườn “rẻ như bèo”
Ghi nhận của chúng tôi tại nhà vườn trồng màu xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự cho thấy, từ trước Tết đến nay giá các loại rau màu của người dân được thu mua với giá “rẻ như bèo” khiến nhiều chủ vườn lỗ nặng.
Anh Huỳnh Văn Hợp - xã viên Hợp tác xã Sản xuất tiêu thụ rau an toàn xã Long Thuận cho hay, để phục vụ mùa Tết năm nay, anh đã xuống giống 2.000m2 củ cải trắng. Nhờ thời tiết thuận lợi, ruộng rau của anh cho sản lượng tốt. Tuy nhiên, sau khi thu hoạch, khoản thu không đủ trang trải chi phí đầu tư, khiến anh lỗ nặng. “Với 2.000m2 củ cải, chi phí đầu tư tôi bỏ ra từ 5 triệu - 6 triệu đồng (chưa kể công chăm sóc). Sau gần 2 tháng trồng, bán “cào bằng” cho thương lái với giá 3 triệu đồng” anh Hợp than thở.
Ngoài việc nhiều nhà vườn bán “cào bằng” cả ruộng rau, nhiều nơi lại bán theo kg. Hiện một kg hành lá có giá 2.000 - 3.000 đồng, củ cải có giá 1.000 - 2.000 đồng/kg, thấp nhất là cà chua giá dao động từ 500 - 700 đồng/kg. “Chưa có năm nào giá rau lại rẻ bèo như năm nay. Vợ chồng tôi tốn công chăm sóc hy vọng trúng giá, nhưng nào ngờ đến vụ thu hoạch, giá lại rẻ như vậy. Vụ này tôi lỗ trên chục triệu đồng khi đầu tư vào trồng củ cải và cà chua”, anh Thành ở ấp Long Hòa, xã Long Thuận cho biết.
Đến chợ rau đội giá gấp 10 lần
Tuy giá rau màu tại vườn “rẻ như bèo” nhưng tại các chợ: Cao Lãnh, Mỹ Ngãi, thị trấn Mỹ Thọ, giá các loại rau màu chênh lệch rất lớn so với giá rau tại vườn. Cụ thể, giá cà chua dao động từ 6.000 - 7.000 đồng/kg, gấp 10 lần so với tại vườn. Củ cải 7.000 đồng/kg, hành lá có giá 8.000 đồng/kg.
Như vậy, theo tính toán, giá rau từ nông dân đến chợ chênh lệch nhau 7 - 10 lần. Cụ thể, giá cà chua được người nông dân bán với giá 600 đồng/kg, nhưng sau nhiều khâu vận chuyển và buôn đi bán lại, tại chợ lẻ được bán ra với giá 6.000 đồng. Theo lý giải của nhiều tiểu thương, sở dĩ giá rau cao hơn nhiều so với tại vườn vì họ phải lấy hàng từ các đầu mối. Mặt khác, sức mua tại các chợ không còn tăng cao như những năm trước nên lãi không nhiều.
Câu chuyện chênh lệch giá rau màu từ vườn ra chợ không phải chỉ mới xuất hiện mà đã diễn ra thường xuyên, nhất là những lúc hoa màu hay các loại nông sản, thực phẩm bị “dội chợ”, thương lái lợi dụng giá cả xuống thấp để ép giá người nông dân, dẫn đến tình trạng người sản xuất thường xuyên lỗ nặng, người tiêu dùng lại phải mua với giá đắt, trong khi khâu phân phối ở giữa là hưởng lợi cao nhất. Tình trạng này một lần nữa cảnh tỉnh việc người nông dân trồng màu không theo quy hoạch. Đồng thời cũng đặt ra vấn đề giải quyết bài toán đầu ra sản phẩm hoa màu cho người nông dân tỉnh Đồng Tháp.
Theo Báo Đồng Tháp Online