Giải pháp chuyển đổi cơ cấu, đa dạng hoá cây trồng trên đất lúa để nâng cao hiệu quả, né tránh thiên tai
- Thứ sáu - 22/05/2015 03:42
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Diễn đàn thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý, nhà khoa học đến từ các Cục, Viện, Trường và gần 300 bà con nông dân, đại biểu đến từ các tỉnh: Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, và Bình Định. TS. Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, TS. Nguyễn Văn Hòa - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và PTNT, TS. Hồ Huy Cường - Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp DHNTB, ông Nguyễn Văn Trượng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Định đồng chủ trì diễn đàn.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, TS. Phan Huy Thông cho biết, theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, từ cuối năm 2014 đến nay, một số địa phương khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ đang bị hạn hán, xâm nhập mặn gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp. Theo kế hoạch của các địa phương, nếu không có mưa bổ sung trong thời gian từ nay đến đầu vụ hè thu 2015, sẽ có khoảng 44.000 ha đất canh tác phải dừng sản xuất, chiếm khoảng 38% tổng diện tích đất trồng lúa và cây hàng năm. Trên thực tế, những năm qua bà con nông dân vùng DHNTB đã có nhiều sáng kiến đưa tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, né tránh được một phần thiên tai, nhất là việc thiếu nước vào mùa khô. Nhiều mô hình chuyển từ cây ngô sang cây màu vụ đông, tăng thêm cây màu vụ hè trên đất 3 vụ lúa được bà con nông dân khẳng định cho kết quả cao hơn so với việc trồng lúa đơn thuần. Tuy nhiên, việc chuyển đổi còn chậm, nguyên nhân do diện tích đất của chúng ta tương đối manh mún. Phần lớn diện tích đất là trồng lúa nên công tác thủy lợi quy hoạch chủ yếu cho việc trồng lúa, chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi nên bà con còn "ngại" chuyển đổi. Hệ thống cơ sở chế biến cho công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng chưa nhiều. Khâu tổ chức thu mua sản phẩm còn gặp khó khăn.
Vấn đề đặt ra cần phải có các giải pháp nhằm giúp bà con nông dân trong vùng DHNTB nói riêng, các tỉnh có quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng nói chung nâng cao hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, khắc phục khó khăn, hạn chế tác động của hạn hán, thiên tai. Tìm ra hướng sản xuất, chuyển đổi đất lúa thiếu nước tưới, đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác né tránh một phần thiệt hại do thiên tai, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường dễ tiêu thụ, tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Tại Diễn đàn, đại biểu được nghe các báo cáo đề dẫn của Cục Trồng trọt, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp DHNTB, Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Định về một số kết quả, định hướng chuyển đổi, đa dạng hóa cây trồng để né tránh thiên tai; Giải pháp kỹ thuật, tiến bộ khoa học kỹ thuật có thể áp dụng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng; Các chính sách của trung ương và địa phương có thể áp dụng vào thực tế giúp công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhanh hơn, đạt hiệu quả tốt hơn.
Báo cáo của Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và PTNT cho thấy, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả trong 2 năm vừa qua được các địa phương đánh giá cao. Toàn vùng tiếp tục chuyển đổi đất trồng lúa sang cây trồng cạn ngắn ngày 4.198 ha, qua 2 năm đã chuyển được 10.882 ha, đạt 22% kế hoạch chuyển đổi toàn vùng, cây trồng chuyển đổi chủ yếu là ngô lai, lạc, cây rau các loại dưa, ớt, sắn, mía, cây thức ăn chăn nuôi… Tại Bình Định, mô hình luân canh: lúa - đậu phộng (lạc) - lúa; đậu phộng - ngô lai - kiệu đã cho thu nhập 70 - 150 triệu đồng/ha/năm tại huyện Hoài Ân. So với 2 vụ lúa, hiệu quả tăng 1,5 - 2,5 lần. Mô hình canh tác đậu tương trồng xen giữa 2 vụ lúa ở chân đất 3 vụ lúa/năm cho lãi ròng bình quân 19,4 triệu. Tại Quảng Ngãi, lúa đông xuân - lạc hè thu cho giá trị thu hoạch trên 60 triệu đồng/ha/năm; lúa đông xuân - bí hè thu cho giá trị thu nhập từ 90 - 160 triệu đồng/ha/năm.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn chậm và manh mún; Chất lượng chưa đủ sức cạnh tranh, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường; Chưa có sự liên kết sản xuất theo chuỗi, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, doanh nghiệp khó thu mua được sản phẩm chất lượng tốt với khối lượng lớn cùng một thời điểm.
TS. Nguyễn Thanh Phương - Phó Viện trưởng, Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp DHNTB cho biết, trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa vùng DHNTB cần tiếp tục nghiên cứu chọn tạo giống và kỹ thuật canh tác thích hợp. Ưu tiên loại cây trồng ngắn ngày, chống chịu sâu bệnh, hạn, mặn tốt. Hoàn thiện quy trình thâm canh đồng bộ các loại cây trồng chuyển đổi trên đất lúa. Rà soát lại quỹ đất lúa có khả năng chuyển đổi sang cây trồng khác ở các tỉnh trong vùng, trên cơ sở đó qui hoạch cơ cấu cây trồng cụ thể cho từng vùng gắn với quy hoạch hệ thống tưới tiêu hợp lý và tăng cường đầu tư phát triển gắn với thị trường tiêu thụ (chuỗi giá trị), tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng đồng đều. Từng bước ứng dụng cơ giới hóa phù hợp với điều kiện đất đai vùng DHNTB. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân ở các vùng chuyển đổi.
Ông Nguyễn Văn Trượng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Định cho biết, trước năm 2006 diện tích 2 vụ lúa/năm chỉ đạt 3.780 ha đến nay toàn tỉnh đã có trên 29.000 ha diện tích sản xuất lúa 2 vụ/năm. Năng suất trung bình trên chân ruộng 2 vụ đạt 70 tạ/ha. Bên cạnh đó ngành nông nghiệp đã phối hợp các địa phương tập trung chỉ đạo công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, bố trí luân canh, xen canh hợp lý. Tuy nhiên, còn một số hạn chế như: quy mô sản xuất manh mún, thiếu tập trung; ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất trồng trọt của nông hộ còn hạn chế; liên kết thị trường và tính cạnh tranh sản phẩm chưa cao.
Diễn đàn đã dành thời gian để bà con nông dân, các hợp tác xã, trạm khuyến nông và các nhà doanh nghiệp nêu những vướng mắc, kinh nghiệm làm như thế nào để chuyển đổi nhanh hơn, hiệu quả tốt hơn. Ông Trịnh Văn Minh - Trạm Khuyến nông huyện Phù Mỹ chia sẻ, huyện Phù Mỹ đã xây dựng chuyển đổi thành công mô hình chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng lúa xen mỳ (sắn) nhằm né tránh hạn hán, thiếu nước. Hiện, mô hình đạt trên 1.000 ha, cho năng suất cao có liên kết doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Ông Võ Văn Nghi - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam chia sẻ, kinh nghiệm trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại Quảng Nam bắt đầu ngay từ khâu quy hoạch, theo đó 100% cánh đồng được chuyển đổi, tiếp đến là khâu tổ chức sản xuất. Kinh nghiệm để địa phương làm tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cần giải quyết được khâu thủy lợi và kêu gọi doanh nghiệp tham gia bao tiêu sản phẩm.
Qua thăm mô hình trồng ngô lai thâm canh trên chân đất lúa chuyển đổi tại thôn Chánh Thạnh, phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định; Các ý kiến tham luận, những sáng kiến chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa thành công của các cá nhân và đơn vị đã thực hiện chuyển đổi thành công trong vùng những năm qua và những hạn chế, bất cập, cùng gần 15 câu hỏi chuyên đề; 07 ý kiến tham luận, hỏi đáp trực tiếp tại diễn đàn cho thấy sự cần thiết và lợi ích của việc chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, đa dạng hóa cây trồng trên đất lúa, nhất là các giải pháp nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong tình hình biến đổi khí hậu, diễn biến thời tiết khó lường, hạn hán, xâm nhập mặn gia tăng hiện nay. Việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã góp phần giúp nông dân các tỉnh, thành hạn chế rủi ro do thời tiết gây ra, giảm chi phí đầu vào, tăng giá trị trên một đơn vị diện tích.
Các giải pháp nhằm chuyển đổi cơ cấu, đa dạng hoá cây trồng trên đất lúa được đưa ra tại diễn đàn:
Một là, giải pháp về quy hoạch. Muốn chuyển đổi vùng nào, trên cơ sở canh tác, lập quy hoạch chi tiết cho từng loại cây, từng vùng và theo mùa vụ sản xuất. Tập trung sản xuất theo hướng hàng hóa, gắn kết khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Có biện pháp cải tạo hệ thống thủy lợi toàn vùng. Xây dựng cơ sở giao thông phù hợp.
Hai là, tổ chức tiêu thụ sản phẩm. Các doanh nghiệp có chính sách xây dựng vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, giúp bà con yên tâm sản xuất.
Ba là giải pháp về giống. Để công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả cao hơn, cần nghiên cứu và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, đưa vào sản xuất các loại giống phù hợp (chú ý giống ngắn ngày, né tránh thiên tai).
Bốn là giải pháp về kỹ thuật trồng - chăm sóc, và áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp. Cần nghiên cứu ứng dụng nhanh các loại máy nông nghiệp phù hợp với điều kiện địa phương. Thực hiện dồn điền đổi thửa nhằm giảm chi phí lao động trong sản xuất.
Về giải pháp tổ chức sản xuất, chính quyền địa phương cần ban hành cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả. Qua đó, bà con nông dân có được thông tin, lựa chọn đúng đối tượng cây trồng cần chuyển đổi.
Trước tình hình hạn hán, thiên tai hiện nay, để đảm bảo công tác sản xuất đạt hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khuyến cáo hệ thống khuyến nông bám sát, hướng dẫn và tư vấn cho bà con nông dân sản xuất trồng các loại cây trồng phù hợp, hiệu quả; Tăng cường chuyển giao kỹ thuật chăm sóc (tưới nước, bón phân... ), phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả đúng định hướng chủ trương của Bộ, ngành.