Giảm thiểu tác hại, tăng giá trị của trấu trong sản xuất lúa gạo

Sản xuất lúa gạo tại Việt Nam ngày càng phát triển do mở rộng diện tích canh tác và tăng năng suất. Thực trạng này đòi hỏi phải có các giải pháp hiệu quả về sử dụng phụ phẩm lúa gạo, trong đó có trấu. Đây cũng là mục tiêu chính được đặt ra trong Dự án “Giảm thiểu và tăng giá trị chất thải trong ngành sản xuất lúa gạo cacbon thấp” do Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) triển khai thực hiện tại Việt Nam.
Ý tưởng sử dụng lò đốt trấu trong sấy lúa để sản xuất than sinh học, silica vô định hình được đánh giá cao.

Mở ra triển vọng

Dự án “Giảm thiểu và tăng giá trị chất thải trong ngành sản xuất lúa gạo cacbon thấp” là dự án hỗ trợ kỹ thuật được Mạng lưới và trung tâm công nghệ khí hậu (CTCN) phê duyệt dựa trên yêu cầu của Thực thể quốc gia chỉ định (NDE) thuộc Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Qua thời gian thực hiện (2013-2017), Dự án đưa ra công cụ hỗ trợ cho các nhà máy xay xát trong việc nhận dạng lộ trình nâng cao giá trị trấu tối ưu (sấy, viên nén, củi trấu và trấu thô) ứng với các tình huống; nghiên cứu đánh giá tính khả thi các mô hình kinh doanh than sinh học và silica vô định hình; kế hoạch kinh doanh củi trấu được xây dựng cho chi nhánh mới của Công ty Lương thực Sông Hậu; nghiên cứu các lựa chọn tài chính khác nhau cho việc hỗ trợ sau Dự án.

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, đánh giá: “Dự án đã tìm hiểu các công nghệ làm giảm khí phát thải nhà kính; góp phần tăng giá trị của trấu thông qua giảm thiểu chất thải và hỗ trợ cải thiện hiệu quả kinh tế cho các nhà máy xay xát. Đồng thời, mở ra tiềm năng lớn cho các doanh nghiệp sản xuất nhiên liệu và năng lượng từ lượng trấu dư thừa”. Theo bà Hoàng Mai Vân Anh, Đại diện Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc, sản lượng lúa gạo năm 2015 của Việt  Nam đạt 45 triệu tấn, 20% trong số đó là vỏ trấu. Thực tế này đặt ra vấn đề xử lý nguồn trấu thải ra sao cho vừa  tạo được giá trị gia tăng về kinh tế vừa đảm bảo thân thiện với môi trường, góp phần tạo nguồn năng lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng. Dự án đã góp sức cho việc chuyển đổi sản xuất lúa gạo sang hướng cacbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đánh giá cao mô hình kinh doanh sáng tạo về than sinh học và silica vô định hình. Ông Eric Buysman, Trưởng nhóm kỹ thuật của Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV, cho biết: “Than sinh học sản xuất từ trấu có thể giữ vững hoặc làm tăng năng suất cho cây trồng nông nghiệp thông qua việc tăng khả năng giữ nước và chất dinh dưỡng, cải thiện cấu trúc của đất... Ngoài ra, than sinh học còn giữ lại cacbon trong đấy giúp bảo vệ đất chống lại tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Silica vô định hình từ trấu mang lại triển vọng trong việc thay thế silica fume (silica khói) – một nguyên liệu đắt tiền được sử dụng trong công nghệ sản xuất xi-măng. Ứng dụng của silica vô định hình trong xây dựng tạo ra các thiết kế mới, hiện đại; cho cấu trúc xây dựng nhẹ hơn, lớn hơn, hỗn hợp hơn. Đồng thời, mức tiêu thụ tài nguyên cũng ít hơn so với bê tông truyền thống, thép và các vật liệu xây dựng khác”.

Hoàn thiện từ thực tiễn

Về các kế  hoạch tiếp nối, ông Eric Buysman, Trưởng nhóm kỹ thuật của Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV, cho biết: “Chúng tôi tiếp tục cải thiện chuỗi giá trị trấu và giảm phát thải khí nhà kính thông qua các công cụ đánh giá. Đơn cử như: Thử nghiệm công nghệ cho một nhà máy xay xát và nghiên cứu tính ứng dụng, khả năng nhân rộng của công nghệ; thử nghiệm Biochar trên đồng ruộng – đánh giá hiệu quả trên năng suất các loại cây trồng khác nhau; xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng cho Biochar; Thực hiện nghiên cứu thị trường – mức sẵn sàng chi trả, đánh giá hiệu quả tài chính đối với việc sử dụng biochar. Đối với vật liệu silica vô định hình, chúng tôi đề xuất ý tưởng xây dựng nhà máy điện kết hợp sản xuất silica vô định hình, lò đốt trấu sản xuất silica vô định hình…

Theo bà Phạm Ngọc Xuân, Giám đốc Ban Quản lý Dự án An Giang-Thụy Điển, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, các chuyên gia của Dự án cần tìm hiểu thực tế sản xuất lúa gạo tại ĐBSCL để có thể tích hợp, tận dụng nguồn nhiên liệu trấu trong quá trình sấy lúa từ đó sản xuất than sinh học. “Các địa phương vùng ĐBSCL sử dụng các lò vỉ ngang, lò hơi để sấy lúa nên tốn nhiều nhân công, nhiệt độ lại không ổn định. Nguồn trấu sau khi sử dụng để đốt lò thải ra thường không đồng nhất, lẫn  tạp. Do đó, công nghệ đốt nghiên cứu từ Dự án cần được nghiên cứu để áp dụng cho sấy lúa. Làm được điều này, chúng ta không những tiết kiệm được năng lượng cho sấy lúa mà còn tận dụng được nguồn than sinh học để bán ra thị trường”-bà Phạm Ngọc  Xuân nói.

Ông Lê Xuân Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch Việt Nam, cho rằng, các nghiên cứu khả thi từ Dự án có tính ứng dụng cao trong sản xuất lúa gạo tại Việt Nam. “Giá trấu trước đây chỉ khoảng 200 đồng/kg, nay tăng lên 900 đồng/kg và có nhiều khả năng trở thành nguồn năng lượng thay thế năng lượng truyền thống. Nếu chúng ta kết hợp các giải pháp hạ giá thành sản xuất lúa kết hợp với tận dụng phụ phẩm trong sản xuất lúa gạo thì lợi nhuận toàn chuỗi sẽ được cải thiện đáng kể”-ông Lê Xuân Thịnh bày tỏ. Đối với mô hình kinh doanh than sinh học và silica vô định hình, nhiều ý kiến cho rằng, Dự án cần nghiên cứu thị trường cho các dòng sản phẩm này, cũng như tính khả thi khi sử dụng than sinh học cho từng loại cây trồng, mùa vụ, thổ nhưỡng… Song song đó, Nhà nước cũng cần có cơ chế, chính sách, giải pháp đồng bộ hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất nhiên liệu và năng lượng từ lượng trấu dư thừa để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Nguồn: http://baocantho.com.vn