Giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm tại Long An: Hai nhà phải liên kết chặt chẽ

Nông dân phải sản xuất nông sản đảm bảo chất lượng; doanh nghiệp - nông dân phải liên kết chặt chẽ với nhau. Đó là ý kiến được nhiều đại biểu thảo luận tại Hội thảo “Giải pháp giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm”, do Hội ND tỉnh Long An tổ chức ngày 24.7.

Mở đầu hội thảo, Chủ tịch Hội Nông dân (ND) tỉnh Long An – ông Phạm Minh Hùng cho biết, Long An không còn là tỉnh thuần nông nhưng vẫn là tỉnh có thế mạnh nông nghiệp, sản xuất lương thực thuộc nhóm những địa phương có sản lượng dẫn đầu cả nước.

Nông sản phải an toàn

Vẫn theo ông Hùng, diện tích sản xuất lúa toàn tỉnh hiện có trên 250.000ha, năng suất, sản lượng liên tục tăng. Trong đó xây dựng cánh đồng mẫu lớn với diện tích trên 10.000ha, trên 3.000 hộ ND tham gia.

Ngoài ra, Long An còn có nhiều cây trồng khác như mía, cây chanh, thanh long… với diện tích trên 22.000ha nhưng chưa hình thành vùng nguyên liệu hoàn chỉnh, liên kết sản xuất còn rời rạc; một số cây trồng truyền thống như dưa hấu, khóm, khoai mỡ, đậu phộng… tuy có vài nghìn ha nhưng đầu ra bấp bênh, không ổn định, khó khuyến khích nông dân giữ ngành truyền thống.

Cũng theo ông Hùng, hàng hóa nông sản nước ta từng bước tham gia, xâm nhập sâu vào thị trường thế giới, sản xuất phải đáp ứng theo nhu cầu và yêu cầu của thị trường và sản phẩm làm ra phải an toàn, đạt chất lượng cao, mẫu mã đẹp, nguồn hàng ổn định. Do đó đòi hỏi nông sản hàng hóa phải đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng và an toàn thực phẩm.

Bà Bùi Thị Ba ở Nông trang Hải Âu (ấp 7, Lương Hòa, Bến Lức, Long An) chuyên sản xuất, tiêu thụ chanh không hạt Vica cho biết, hiện nay trên 85% sản lượng chanh không hạt ở Lương Hòa xuất khẩu sang Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Myanmar, các nước Trung Đông... trong đó thương hiệu chanh Vica của Nông trang Hải Âu được nhiều bạn hàng lớn lựa chọn. Để được công nhận thương hiệu cho chanh không hạt, chúng tôi phải sản xuất theo hướng an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.

Liên kết chặt chẽ nông dân - doanh nghiệp

Ông Võ Quan Huy
   
Sản phẩm có tiêu thụ tốt phải liên kết giữa doanh nghiệp và ND, hai bên phải tin tưởng nhau và thực hiện đúng hợp đồng cam kết”.
Ông Võ Quan Huy, ND ấp Hòa Thuận, xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, chia sẻ: Để giúp ND tiêu thụ sản phẩm, trước tiên Hội ND kết hợp với Khuyến nông tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho ND nắm vững quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm ra thị trường trong, ngoài nước.

Đối với Liên minh HTX phải nhận định được thời điểm của thị trường để định hướng cho ND sản xuất, trồng trọt rau màu phục vụ thị trường đúng nhu cầu. Cũng theo ông Huy, để sản phẩm tiêu thụ tốt phải liên kết giữa doanh nghiệp và ND, hai bên phải tin tưởng nhau và thực hiện đúng hợp đồng cam kết.

Ý kiến của đại diện các ngành nông nghiệp, công thương, HTX, Hội ND, ND các huyện, thành tập trung nhiều về nội dung làm thế nào để ND thay đổi suy nghĩ, cách làm theo quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng, nhất là chất lượng VietGAP.

Kết thúc hội thảo, ông Hùng cho biết: “Những ý kiến tại hội thảo sẽ là cơ sở để Hội tham mưu, kiến nghị với UBND tỉnh và các ngành liên quan...

Theo danviet.vn