Hà Tĩnh: Muốn nông dân ai cũng có nghề cầm tay

Hà Tĩnh: Muốn nông dân ai cũng có nghề cầm tay
Hơn 3 năm qua Hội nông dân Hà Tĩnh chính là chiếc cầu nối giữa các đơn vị, tổ chức, ngân hàng CSXH với nông dân. Tính đến giữa tháng 4/2012, tổng dư nợ các nguồn vốn do Hội phối hợp với các ngân hàng cho nông vay lên gần 2 nghìn tỷ đồng với trên 63 nghìn lượt hộ vay. Ngoài ra, Hội cũng đã liên kết với các doanh nghiệp cung ứng được 345 máy cày, 35 ô tô tải nhẹ, 27 thuyền máy, 589 máy vi tính, trên 36 tấn phân bón, hơn 12 nghìn tấn thức ăn và các loại giống cây, con cho bà con.
Nhằm cụ thể hoá các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến tận người dân. Hội nông dân tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng phương án đào tạo nghề đến từng vùng, từng địa phương, góp phần giúp người nông dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Nhờ nghề mây tre đan xuất khẩu hàng ngàn lao động trên địa bàn Hà Tĩnh đã có việc làm, tăng thu nhập từ 1,5-3 triệu đồng/người/tháng

Hà Tĩnh là địa phương có hơn 85% dân số sống ở nông thôn, đời sống của nông dân chủ yếu dựa vào SX NN là chính, chưa có nghề phụ nào để tăng thêm thu nhập. Ngược lại, sản xuất NN ở nơi “chảo lửa túi mưa” này lại luôn bấp bênh do khí hậu thời tiết khắc nghiệt. Chính vì thế việc cần làm ngay hiện nay là có cơ chế, chính sách giúp bà con nâng cao năng suất, chất lượng trong SX NN, đưa SX NN manh mún, nhỏ lẻ lên thành SX hàng hoá; đồng thời tạo thêm việc làm giúp nông dân có thêm thu nhập. Để thực hiện được mục tiêu này, với “vị thế” là bà đỡ của nông dân, Hội nông dân Hà Tĩnh đã quyết liệt vào cuộc, tập trung đẩy mạnh liên kết 4 nhà: Nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông.
Với việc đẩy mạnh cơ chế liên kết trên, không những nâng cao ý thức, kỷ luật; đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong việc xây dựng các tổ nhóm SX, tổ hợp, HTX để cùng nhau xây dựng thương hiệu nông sản mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nhanh, sâu sát tới từng tổ hợp, HTX và chính người nông dân. Đồng thời, giúp các nhà quản lý nắm bắt chính xác nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích của người dân từ đó có giải pháp tối ưu nhất để hỗ trợ bà con mở rộng SX, kinh doanh.
Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Nguyễn Thị Tuyết Anh chia sẻ:  Việc đẩy mạnh liên kết 4 nhà đang được chúng tôi triển khai quyết liệt. Quá trình này mặc dầu không dễ dàng gì nhưng chúng tôi nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của rất nhiều thành phần, đối tượng. Hội đã tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho các cán bộ quản lý từ tỉnh đến huyện, xã, thôn xóm về các kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh; cung cấp dịch vụ tư vấn; dịch vụ chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật; đào tạo nghiệp vụ, tay nghề để nâng cao hiệu quả trong sản xuất... Hỗ trợ nông dân tiếp cận, thực hiện được các chương trình vay vốn sản xuất. Phối hợp với các nhà khoa học hướng dẫn bà con nông dân SX, kinh doanh đúng quy trình, tuân thủ kỹ thuật. Đồng thời, xúc tiến thương mại, tạo nhiều cơ hội gặp gỡ, ký kết các hợp đồng thương mại giữa các tổ nhóm, tổ hợp, HTX với các đối tác nước ngoài nhằm tạo môi trường hợp tác làm ăn chuyên nghiệp, bỏ dần thói quen làm ăn tự phát trong nông dân.

Bà con nông dân hăng say tham gia hội thi nghề mây tre đan.

Cũng theo bà Tuyết Anh, hiện nay Hội nông dân Hà Tĩnh đang tập trung chỉ đạo Hội nông dân 12 huyện, thị, thành phố trong toàn tỉnh phối kết hợp với Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân đào tạo, dạy các nghề như mây tre đan xuất khẩu; thú y; kỹ thuật chăn nuôi lợn, gà; kỹ thuật trồng rau an toàn; trồng nấm...cho bà con nông dân phân theo từng vùng, từng địa phương nhiều nơi nông dân làm rất có hiệu quả.
Ông Trần Trung Thành, Giám đốc Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân nói: “ Đối với vùng ven bãi ngang, ít đất SX nông nghiệp, chúng tôi chú trọng dạy nghề mây tre đan xuất khẩu và nuôi trồng thuỷ sản cho bà con, còn ở những vùng nhiều đất SX như huyện Đức Thọ, Can Lộc, Cẩm Xuyên...thì chúng tôi lại đào tạo kỹ thuật thâm canh lúa năng suất cao; kỹ thuật chăn nuôi lợn, gà; trồng nấm để từ đó bà con có thể từng bước nâng cao thu nhập trên chính mảnh đất mình đang có”.
Cũng theo ông Thành, năm 2011, Trung tâm phối hợp với các huyện, thị, TP và dự án IMPP đã tổ chức đào tạo nghề cho 248 lớp với hơn 7.400 học viên tham gia. Hầu hết các học viên sau khi học nghề ra đã nâng cao thu nhập từ 1,5-3 triệu đồng/người/tháng.
 Chị Nguyễn Thị Hiền, xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh phấn khởi nói: “Giữa năm 2011 tôi được Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ việc làm mời tham dự lớp học nghề mây tre đan xuất khẩu. Sau khi được các cán bộ cầm tay chỉ việc, hướng dẫn tận tình từng công đoạn, quy trình đan các sản phẩm như khay đựng đồ gia dụng…từ đó tận dụng thời gian rảnh rỗi của mình, nhận hàng về nhà làm tranh thủ. Bình quân mỗi tháng tôi đan được trên 1.000 sản phẩm cho thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng. Với những nông dân như tôi có được khoản thu nhập này giải quyết được rất nhiều công việc trong gia đình. Rất cảm ơn các cán bộ đã tạo thêm việc làm cho nông dân chúng tôi”.
Không chỉ chị Hiền, hàng trăm nông dân như chị Trần Thị Danh, xã Kỳ Long (Kỳ Anh); anh Nguyễn Văn Hưng, Thạch Lâm (Thạch Hà); anh Nguyễn Am, Tân Lộc (Lộc Hà); anh Đặng Văn Hiền, Xuân Viên (Nghi Xuân)... nhờ nghề mây tre đan xuất khẩu và chăn nuôi lợn, gà đã có thu nhập ổn định, vươn lên làm giàu.

 
                                                                         Bài, ảnh:  Thanh Nga
(báo NNVN)