Hai “chìa khóa” mở lối ra cho nông sản

Cuối tuần trước, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đưa ra dự báo về một số lĩnh vực như du lịch, dệt may, da giày và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh nền kinh tế đang từng bước “xây dựng sức đề kháng”, để tiến tới không phụ thuộc hay lệ thuộc nước khác...

Dệt may da giày đủ sức tự chủ

Theo đánh giá của VAFI, Việt Nam là khách hàng lớn nhất và cũng là khách hàng dễ tính nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN với số liệu nhập siêu từ Trung Quốc hàng năm vượt trên 27 tỷ USD. Do vậy, VAFI tin rằng, thị trường tiêu thụ của Việt Nam chiếm vị trí quan trọng đối với kinh tế Trung Quốc.

Về phía các ngành sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, ngành có nguồn nguyên liệu nhập khẩu chính từ Trung Quốc như dệt may, da giày hoàn toàn đủ sức tự chủ, có thể tự xây dựng nguồn nguyên phụ liệu ổn định và độc lập hơn bằng việc nhập hàng thay thế từ các nước khác, với chất lượng cao hơn. Sáu tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam ước đạt 10,21 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2013.

Riêng Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm đạt 1,62 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, Vinatex đang triển khai các dự án sản xuất nguyên liệu dệt may, cung cấp đầu vào cho ngành dệt may. Trong 6 tháng đầu năm, Vinatex đã triển khai 9 dự án sợi, 11 dự án dệt nhuộm, 12 dự án may...

Mở lối cho hàng nông sản

Riêng đối với lĩnh vực xuất khẩu nông sản, VAFI đưa ra lời khuyên: Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương cần phải tính toán tương đối chính xác về sản lượng tiêu thụ của từng mặt hàng nông sản tương ứng với giá cao, nguồn cung ít đi thì giá bán tăng nhanh và sẽ hiệu quả hơn rất nhiều việc tiêu thụ số lượng lớn nông sản với giá rẻ.

Việt Nam đang đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với EU. Việt Nam cũng đã ký kết 7 trong tổng số 8 FTA với các nước trong khu vực châu Á. Các đàm phán này mở ra cho nông sản Việt Nam cơ hội tìm kiếm nhà nhập khẩu mới thay vì lệ thuộc vào đơn hàng nhỏ lẻ từ Trung Quốc.
 
“Thực hiện tốt việc tái cơ cấu trong lĩnh vực nông sản, phát triển các sản phẩm mới còn đang nhập khẩu nhiều như nuôi bò, trồng ngô, trồng bông… đồng thời chuyển dịch lực lượng lao động sang lĩnh vực công nghiệp thì chúng ta sẽ không còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản” - đại diện VAFI nhận định.

 

Và trên thực tế nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam hiện nay, chẳng hạn vải thiều, cũng đã tìm cách xuất sang Nhật Bản, EU... Theo VAFI, muốn mở hướng đi cho nông sản, có hai điều quan trọng trong chính sách cần tập trung làm. Thứ nhất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là phát triển hệ thống giao thông để giao thương nông sản dễ hơn. Thứ 2, làm tăng giá trị gia tăng của sản phẩm. Đột phá được 2 điểm trên, nông sản Việt Nam thoát khỏi cảnh phải bán giá thấp.

Theo danviet.vn