Hạn chế dịch bệnh cho vật nuôi

Hạn chế dịch bệnh cho vật nuôi
Thời tiết nắng nóng làm nhiệt độ nước tăng cao, độ mặn tăng, pH dao động lớn, chất thải phân hủy mạnh tạo ra nhiều khí độc… dễ gây stress cho cá, nếu tình trạng kéo dài có thể gây hiện tượng cá chết hàng loạt do thiếu khí, ngộ độc khí. Nắng nóng làm tăng độ mặn, nhiệt độ nước gây nhiều bệnh nguy hiểm cho tôm nuôi.

Thả bèo quanh ao làm chỗ trú ẩn cho ếch, baba, lươn... - Ảnh: Phan Thanh Cường

Để hạn chế tác hại của thời tiết nắng nóng, đối với ao nuôi tôm cá cần đảm bảo một số biện pháp như:

- Mực nước trong ao luôn ở mức cao, ổn định. Đặc biệt là với các mô hình nuôi tôm, cá trong ruộng.

- Tiến hành che nắng cho ao cá, tôm đối với ao có diện tích nhỏ trong điều kiện có thể. Đặc biệt với những ao nuôi giống, cá còn nhỏ.

- Đảm bảo đầy đủ lượng ôxy hòa tan trong ao, sử dụng quạt nước để tránh hiện tượng phân tầng nước và nhiệt độ trong ao, nhất là khi trời đang nắng xuất hiện mưa giông đột ngột.

- Thường xuyên theo dõi biến đổi của môi trường, chuẩn bị nguồn nước cấp và nguồn ôxy trong những trường hợp cần thiết.

- Trời nắng nóng, tôm cá dễ nhạy cảm nên không dùng chài, lưới bắt để kiểm tra vì dễ gây sốc cho tôm cá, làm cong thân, xây xát ảnh hưởng đến sức khỏe cá, tôm nuôi.

- Không nên thả giống vào các thời điểm nắng nóng kéo dài và diễn biến phức tạp.

  - Đối với các đối tượng nuôi khác như baba, ếch, lươn,… nên làm dàn che nắng bằng cách thả bèo (bèo Nhật Bản, rau muống) xung quanh ao làm chỗ cho vật nuôi cá trú ẩn (khoảng 15% diện tích mặt nước ao). Đặc biệt là ngừng bón phân hữu cơ vào những ngày nắng nóng nhiệt độ nước tăng cao.

Bên cạnh những biện pháp trên, người nuôi cần phải có chế độ cho tôm, cá, vật nuôi thủy sản ăn theo khẩu phần hợp lý như: điều chỉnh thức ăn hợp lý khi thời tiết thay đổi; chọn loại thức ăn tốt (đặc biệt là thức ăn tươi); vệ sinh sạch sẽ sàng ăn, nơi cho ăn. Sử dụng men vi sinh kích thích tiêu hóa cho tôm, cá, vật nuôi thủy sản. Sử dụng Vitamin C, khoáng chất sẽ giúp vật nuôi tăng sức đề kháng khi gặp môi trường thay đổi, bất lợi.

Định kỳ sử dụng các chế phẩm sinh học có chất lượng tốt để đảm bảo môi trường nuôi được ổn định, đặc biệt là giảm và ngăn ngừa một số loại khí độc phát sinh gây bệnh cho tôm, cá. Theo dõi sự phát sinh bệnh dịch của vật nuôi và sử dụng thuốc, hóa chất điều trị kịp thời.

Trọng Nam (thuysanvietnam.com.vn)