Hạt giống lúa lai F1 cho thu nhập gấp 2,5 lần lúa thường

Sau 2 năm triển khai, đến nay, dự án phát triển mô hình sản xuất hạt giống lúa lai F1 đã góp phần tích cực trong việc tăng tỷ lệ hạt giống lúa sản xuất trong nước. Mô hình này tạo ra những mùa vàng bội thu cho nông dân, giúp bà con tăng thu nhập lên 2,5 lần so với lúa thường.

Hiệu quả kinh tế tăng 50%

Tại Hội nghị sơ kết tình hình sản xuất và tiến độ triển khai dự án khuyến nông về sản xuất hạt giống lúa lai vụ đông xuân năm 2014 - 2015 các tỉnh phía Nam (do Trung tâm Khuyến nông quốc gia (TTKNQG) tổ chức tại huyện Đại Lộc, Quảng Nam vào ngày 25.4), ông Phan Huy Thông – Giám đốc TTKNQG cho biết, diện tích gieo trồng lúa lai F1 hàng năm của nước ta khoảng 650 – 700 ngàn ha. Nhu cầu về hạt giống lúa lai khoảng 20 nghìn tấn/năm.

 

Hat giong lua lai F1 cho thu nhap gap 2,5 lan lua thuong
Các đại biểu tham quan mô hình sản xuất hạt giống F1 ở Đại Lộc (Quảng Nam). Ảnh: Đ.H
Ông Đặng Quý Nhân (TTKNQG) cho biết thêm, vụ đông xuân 2014-2015, cả nước có 16 đơn vị trực tiếp sản xuất hạt giống lúa lai F1. Tổng diện tích gieo cấy lúa lai F1 đạt 1.308,9ha trên địa bàn 10 tỉnh, thành phố. Trong đó diện tích thuộc vùng dự án khuyến nông là 551ha. Hiện nay, toàn bộ diện tích đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch, dự kiến năng suất đạt từ 26 tạ/ha trở lên. Hiệu quả kinh tế trong mô hình tăng lên 50% so với sản xuất lúa thương phẩm. Sản lượng giống lúa lai F1 đạt khoảng 1.000 tấn.

“Hạt giống sẽ được kiểm định, kiểm nghiệm đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn hạt giống lúa lai F1 của Bộ NNNPTNT, có giá thành cạnh tranh với giống nhập khẩu, đạt tiêu chuẩn chất lượng cung cấp cho sản xuất lúa thương phẩm từ hạt giống lúa lai F1 tự sản xuất. Giá thành hạt giống thương phẩm cung ứng cho nông dân sản xuất đại trà thấp hơn từ 10 – 15 % so với giống cùng chủng loại nhập khẩu” – ông Nhân cho hay.

Bên cạnh đó, sau 3 năm triển khai dự án “Duy trì và sản xuất hạt giống bố mẹ của một số giống lúa lai 2 và 3 dòng phổ biến cho năng suất và chất lượng cao”, các địa phương đã sản xuất được 135 ha giống bố mẹ nguyên chủng gồm 5 giống hệ hai dòng và 6 giống hệ 3 dòng. Mỗi năm sản xuất được khoảng 60-80 tấn dòng mẹ, 15-18 tấn dòng bố đạt tiêu chuẩn, có giá thành giảm 30 – 35% so với hạt giống nhập khẩu cùng loại, đảm bảo cung cấp giống để sản xuất được khoảng 1.500 - 2.000 ha hạt giống F1. Hiệu quả kinh tế của người dân tham gia sản xuất hạt giống bố mẹ cao hơn 1,5 - 2 lần so với sản xuất lúa thương phẩm.

Tiến đến chủ động nguồn giống

Ông Thông khẳng định, các loại giống lúa lai do TTKNQG liên kết với các đơn vị sản xuất có rất nhiều ưu điểm, ngoài việc cho năng suất cao gấp 2-3 lần so với giống lúa khác thì một số giống còn có khả năng chống chịu với thời tiết bất thuận, một số giống chống chịu sâu bệnh tốt.

Quan điểm
Ông Phan Huy Thông
Các loại giống lúa lai do TTKNQG liên kết với các đơn vị sản xuất có rất nhiều ưu điểm, ngoài việc cho năng suất cao gấp 2-3 lần so với giống lúa khác thì một số giống còn có khả năng chống chịu với thời tiết bất thuận, một số giống chống chịu sâu bệnh tốt.
“Việc triển khai thực hiện các dự án sản xuất hạt giống F1, các loại giống bố mẹ 2-3 dòng trong những năm qua đã phát huy hiệu quả, người nông dân có thu nhập cao. Tuy nhiên, vấn đề tồn đọng trong sản xuất hạt giống lúa lai F1 là nguồn giống bố mẹ. Vì vậy, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và một số công ty đã tự sản xuất và duy trì được nguồn giống bố mẹ nên đã chủ động trong sản xuất. Bộ NNPTNT đã quy hoạch 5 vùng trung tâm sản xuất lúa lai cho cả nước. Hiện các đơn vị đã thuê đất và các trung tâm được đầu tư hạ tầng, bà con được đào tạo để có tay nghề tốt tham gia sản xuất” - ông Thông cho biết.

 

Ông Thông nói thêm, việc ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất các hạt giống F1, giống lúa bố mẹ 2-3 dòng đã tạo sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế và giá trị gia tăng cao hơn so với sản xuất lúa thương phẩm, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Trong thời gian tới, ngoài việc hỗ trợ của các địa phương, Trung tâm sẽ kiến nghị Bộ NNPTNT có những chính sách hỗ trợ hơn nữa nhằm đảm bảo quyền lợi cho bà con nông dân và doanh nghiệp. Mặt khác, kiến nghị Bộ tiếp tục hỗ trợ để đẩy mạnh sản xuất hạt giống lúa lai có chất lượng đảm bảo, giá thành hạ có khả năng cạnh tranh, từng bước giảm lượng giống nhập khẩu, chủ động nguồn giống để mở rộng diện tích lúa lai với cơ cấu giống phù hợp.

Theo danviet.vn