Hậu Giang: Vất vưởng như... rau an toàn

Mô hình đã phát triển mạnh, sản phẩm rau đã đảm bảo an toàn, nông dân như sắp được bù đắp lại thành quả lao động. Song, do thiếu tính liên kết, thiếu sự tương trợ của doanh nghiệp và nhà nước, sản phẩm rau an toàn của nhà nông vẫn chưa có đầu ra an toàn.
Đến nay, vẫn chưa có hướng đi an toàn cho đầu ra của rau an toàn.

Rau sạch bán giá chợ

Theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, toàn huyện Long Mỹ có 3 tổ hợp tác sản xuất rau an toàn. Sau một thời gian hoạt động các tổ hợp tác (THT) đi vào trì trệ khi đầu ra không ổn định. Người trồng rau không còn mặn mà với rau an toàn vì trồng theo hướng này phải bỏ ra nhiều công sức và chi phí, trong khi sản phẩm bán ra không khác gì rau thường.

Ông Nguyễn Văn Bi - Tổ trưởng Tổ hợp tác rau an toàn ấp 5, thị trấn Long Mỹ cho biết: “Sau 4 năm, các tổ viên vẫn duy trì làm rau an toàn nhưng không còn mặn mà như thời gian đầu. Nhiều người ngao ngán vì sản phẩm làm ra không biết bán ở đâu, rồi cứ đem ra chợ bán như rau bình thường”. Ông Bi cho biết, lúc đầu THT cũng có thành lập điểm bán rau an toàn nhưng không hiệu quả, lỗ vốn rồi nghỉ. “Các tổ viên mong muốn có những điểm bán rau an toàn tập trung hoạt động có hiệu quả để người trồng rau an tâm sản xuất” - ông Bi bộc bạch.

Ông Trần Ngọc Hưởng (Tổ hợp tác rau an toàn ấp 3, xã Vị Tân, TP.Vị Thanh) than: “Ban đầu tổ có 15 người, nay còn 8 người, đa số các tổ hợp tác ở TP.Vị Thanh đều rơi vào tình trạng tương tự”.

Được biết, rau màu sản xuất theo hướng an toàn có chi phí đầu tư cao (giàn lưới chuyên dụng 20-30 triệu đồng), đòi hỏi người trồng phải bỏ ra nhiều công chăm sóc hơn, theo dõi sát hơn mà sản phẩm làm ra lại không được “đẹp” như các loại rau sử dụng phân thuốc trừ sâu.

Người trồng vẫn tự bơi

Qua tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn sản phẩm rau sản xuất ra do nông dân tự tiêu thụ tại các chợ, ngoài ra không có một điểm bán tập trung chuyên về rau màu an toàn. Nhu cầu của người dân không phải là ít nhưng có 2 vấn đề đặt ra là: Mua rau an toàn ở đâu và cơ sở nào để tin tưởng vào chất lượng rau an toàn?

"Nông dân sản xuất rau màu không phải là người kinh doanh cho nên họ không thể tìm ra được giải pháp tiêu thụ. Cần có giải pháp cụ thể, xây dựng những điểm bán tập trung, có thể liên kết với một doanh nghiệp nào đó”.
Ông Lê Hồng Việt
 
Ông Võ Xuân Tân – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Hậu Giang đánh giá: “Hiện chưa gắn kết được người sản xuất với doanh nghiệp về đầu ra của sản phẩm rau màu sản xuất theo hướng an toàn. Ban đầu, khi đưa mô hình sản xuất vào trong nông dân thì họ được hỗ trợ về kỹ thuật, nhưng đến nay vẫn luôn gặp khó về đầu ra”.

Theo ông Lê Hồng Việt – Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Long Mỹ: “Rau màu sản xuất theo hướng an toàn trong huyện tuy không mới nhưng thực sự chưa tạo được niềm tin trong người tiêu dùng. Trên thực tế, rất khó để phân biệt sản phẩm rau an toàn và rau thường. Khi đem ra bán tại các chợ, sản phẩm rau an toàn khó cạnh tranh được với các loại rau thông thường vì giá cả cao hơn.

Theo danviet.vn