Heo chết vì tùy tiện tái đàn tuyệt đối không được hỗ trợ
- Thứ ba - 22/10/2019 10:05
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tính đến giữa tháng 10, Đồng Nai đã có hơn 420.000 con heo bị tiêu hủy do nhiễm dịch tả heo châu Phi (DTHCP). Cũng đã có gần 2.250 cơ sở chăn nuôi bị thiệt hại đã nhận được kinh phí hỗ trợ với tổng số tiền trên 320 tỷ đồng, đạt 51,6% tổng số tiền hỗ trợ.
Trước khi dịch tả heo châu Phi xảy ra, huyện Long Thành có tổng đàn heo hơn 200.000 con, nay giảm còn 83.700 con.
Ông Nguyễn Văn Thùy, ngụ xã Long Phước (huyện Long Thành) kể, hiện chính quyền địa phương đang hỗ trợ cho nông dân bị thiệt hại theo mức 25.000 đồng/kg với giá heo thịt và 30.000 đồng/kg với heo nái.
“Không thể bằng giá thị trường nhưng sự hỗ trợ này là cần thiết vì nông dân còn giữ lại được một phần vốn để có điều kiện chuyển đổi ngành nghề” - ông Thùy nói.
Ông Lâm Văn Minh – Trưởng phòng Kinh tế huyện Long Thành cho biết, việc chuyển đổi ngành nghề là cần thiết để bà con có thể tận dụng chuồng trại đang bỏ trống, đảm bảo nguồn thu nhập không bị gián đoạn vừa có thời gian cách ly triệt tiêu virus DTHCP.
Nhiều chuồng nuôi đang bỏ trống sau đợt càn quét của dịch tả heo châu Phi
Còn việc tái đàn heo lúc này cần hết sức thận trọng vì DTHCP trên địa bàn vẫn diễn biến khó lường. Chỉ ở những địa phương được công bố hết dịch, huyện sẽ lập đoàn khảo sát, nếu kiểm tra thấy đủ điều kiện an toàn sinh học mới cho bà con tái đàn.
Theo ông Minh, khuyến cáo này là cần thiết vì hiện giá heo hơi trên thị trường trung bình trên 60.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất từ trước tới nay. Với 1 tạ heo, người chăn nuôi có thể lời từ 1,5 – 2 triệu đồng. Tâm lý mong muốn tái đàn là khó tránh khỏi.
Giá heo hơi trên thị trường đang ở mức giá cao khiến nhiều người có tâm lý mong muốn tái đàn.
Trong khi đó, tình trạng lơ là trong phòng chống DTHCP ở một số nông hộ vẫn còn diễn ra. Đây là nguy cơ khiến DTHCP tái phát. Đơn cử ngay tại xã An Phước (huyện Long Thành) đã có 2 hộ chăn nuôi tái phát dịch do không đảm bảo vệ sinh chuồng trại.
Tại hộ chăn nuôi của bà Nguyễn Thị Hương, dù chuồng trại không đảm bảo vệ sinh an toàn dịch bệnh và chưa chủ động trong công tác phòng chống DTHCP song bà vẫn mong muốn tái đàn sau 30 ngày công bố hết dịch.
Môi trường chăn nuôi lẫn lộn heo, gà, vịt..., không đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Ông Trần Văn Quang – Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Đồng Nai cho rằng, đối với các nông hộ, trang trại chưa đủ điều kiện thực hiện các giải pháp an toàn sinh học để phòng dịch thì tuyệt đối không được tái đàn.
“Các nông hộ tái đàn không hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan chuyên môn, nếu có dịch bệnh xảy ra sẽ không được nhà nước hỗ trợ” - ông Quang khẳng định.
Các hộ tái đàn heo không theo hướng dẫn của cơ quan quản lý và ngành chức năng, nếu để dịch bệnh xảy ra sẽ không được Nhà nước hỗ trợ.
Tại cuộc họp mới đây, ông Võ Văn Chánh – Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống khẩn cấp DTHCP tỉnh Đồng Nai chỉ rõ, các địa phương cần quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp chưa để xảy ra dịch bệnh và làm tốt công tác an toàn sinh học trong việc tái đàn.
Với chăn nuôi nông hộ chỉ khuyến khích tái đàn khi đảm bảo các điều kiện an toàn sinh học và có doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu sản phẩm; cấm việc tái đàn ở những nơi không đủ điều kiện, nhất là ở các khu đông dân cư.
Theo Trần Khánh/danviet.vn
http://danviet.vn/nha-nong/heo-chet-vi-tuy-tien-tai-dan-tuyet-doi-khong-duoc-ho-tro-1025103.html