Hết tạm trữ, lúa gạo lại giảm giá mạnh

Hết tạm trữ, lúa gạo lại giảm giá mạnh
Mất đà tăng từ giá xuất khẩu, lại hết hạn tạm trữ đã khiến cho giá lúa gạo ở ĐBSCL gần 1 tuần nay giảm mạnh từ 200 – 500 đồng/kg tùy loại.
Giá rớt

Từ khi hết thời hạn tạm trữ (15.8), giá lúa gạo ở ĐBSCL cũng bắt đầu hạ nhiệt rớt giá theo từng ngày. Nếu so với đầu tháng 8.2013 thì giá nhiều loại lúa gạo tại ĐBSCL đã rớt khoảng 200 - 500 đồng/kg tùy loại. 

Tại An Giang, bà Trần Thị Bông, một thương lái thu mua lúa cho biết giá lúa tươi IR 50404 ngày 23.8 bà mua tại ruộng còn có 4.400 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg so với 1 tuần trước đó. Tại Đồng Tháp, nông dân Nguyễn Thu Hằng ở xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự cũng lo lắng khi giá lúa tươi hạt dài từ 4.900 đồng/kg tuần trước đã giảm xuống còn 4.600 – 4.700 đồng/kg trong khi lúa nhà chị còn 2 tuần nữa mới cắt.
Giá gạo Việt Nam hiện đang phải cạnh tranh quyết liệt với gạo của Thái Lan, Ấn Độ.
Giá gạo Việt Nam hiện đang phải cạnh tranh quyết liệt với gạo của Thái Lan, Ấn Độ.

Tại TP.Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu…, giá lúa còn rớt mạnh hơn. Tại các tỉnh này giá lúa tươi IR 50404 thương lái mua tại ruộng hiện chỉ còn 4.000 - 4.200 đồng/kg. Nhiều loại lúa tươi hạt dài như OM 6976, OM 2517, OM 5451… từ 4.800 - 5.000 đồng/kg cũng giảm xuống còn 4.500 - 4.700 đồng/kg.

Giá gạo theo đó cũng giảm 200 – 300 đồng/kg. Theo bà Bông giá gạo nguyên liệu IR 50404 doanh nghiệp ngày 23.8 mua còn có 6.750 đồng/kg, giảm 250 đồng/kg so với thời điểm còn tạm trữ. Gạo hạt dài cũng giảm 250 – 300 đồng/kg, hiện còn 6.900 - 7.000 đồng/kg.

“Mặc dù lúc này gạo lại đẹp hơn thời điểm tạm trữ. Lúa IR 50404 thu hoạch thời điểm này có thể xay xát ép ra được gạo 5% tấm, trong khi giá doanh nghiệp mua lại giảm làm chúng tôi khi đi mua lúa cũng gặp khó khăn” – bà Bông nhận định. Các loại lúa thơm, jasmine, nếp… từng giữ vị trí cao, ổn định ở top đầu cũng không thoát khỏi cảnh chung rớt giá. Theo anh Huỳnh Văn Sơn, trồng nếp ở Thạnh Hóa, Long An giá nếp mấy ngày nay cũng chỉ còn ở tầm 6.000 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg so với giá đầu tháng 8.2013. 

Xuất khẩu cầm chừng

Theo các chuyên gia, giá lúa trong nước giảm là do ảnh hưởng của giá xuất khẩu giảm. Thêm vào đó, thời gian tạm trữ cũng đã hết, doanh nghiệp mất sự hỗ trợ từ lãi suất ngân hàng nên không thể tiếp tục trụ mua lúa gạo trong nước với giá cao.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến giữa tháng 8.2013, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 4,2 triệu tấn gạo. Hoạt động xuất khẩu hiện đang gặp nhiều khó khăn do nguồn cung tăng mạnh, giá bán giảm. Các hợp đồng chưa giao hàng còn khá nhiều với gần 1,8 triệu tấn và tiếp tục có tình trạng người mua muốn hủy hợp đồng để hạ giá xuống. Chỉ trong 7 tháng đầu năm, số lượng hợp đồng bị hủy tăng cao đến gần 940.000 tấn. 


Như vậy chỉ trong một thời gian ngắn điều chỉnh tăng, giá chào xuất khẩu gạo của Việt Nam hơn 2 tuần nay đã giảm từ từ. Theo chuyên trang lúa gạo Oryza.com, hiện giá gạo 5% tấm Việt Nam chào bán với giá 385 – 395 USD/tấn so với mức 405 – 415USD/tấn vào đầu tháng 8; gạo 25% tấm cũng đã giảm 15USD/tấn, hiện còn 350 – 360 USD/tấn. 

Ông Lâm Anh Tuấn- Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre), khẳng định giá trong nước giảm là phản ánh đúng diễn biến thị trường. Bởi với mức giá xuất khẩu 380 – 390 USD/tấn thì doanh nghiệp chỉ có thể mua lúa tươi với giá 4.200 đồng/kg mới không lỗ. 

Thêm vào đó, trả lời báo chí theo bà Nguyễn Phúc Ánh- Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Tấn Tài III, chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang, thời gian gần đây hợp đồng xuất khẩu gạo trong nước bị hủy nhiều cộng với áp lực giảm giá bán gạo của Ấn Độ, Thái Lan - đối thủ cạnh tranh đối với xuất khẩu gạo Việt Nam,… đã góp phần làm thị trường lúa gạo Việt Nam hạ giá trở lại.

Cụ thể, so với thời điểm cách đây 2, 3 tháng chênh lệch giữa giá chào xuất khẩu gạo của Việt Nam so với Thái Lan và Ấn Độ có lúc lên đến 100 USD/tấn gạo 5% tấm, thì hiện khoảng cách này đã được thu hẹp, chỉ còn khoảng 20 – 50 USD/tấn. 
Nguồn: danviet.vn