Hỗ trợ chính sách không phải là bao cấp

Tại các hội nghị về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các HTX, nhiều HTX băn khoăn, họ là đối tượng được hỗ trợ thông qua các chính sách ưu đãi của Chính phủ, nhưng thực tế lại không được thụ hưởng như trong văn bản. Có thể viện dẫn Nghị định 55/2015-NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các HTX được vay tối đa tới 1 tỉ đồng mà không cần thế chấp nhưng khi đi vay, ngân hàng từ chối giải ngân.
Hỗ trợ chính sách không phải là bao cấp

Hàng năm, số HTX được vay chỉ chiếm 0,01% trong tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn tỉnh. Hay, các HTX nông nghiệp được hưởng chính sách miễn giảm thuế nhưng vẫn phải chịu thuế kinh doanh 10% rồi 20%...? Những thắc mắc này dù đã được các cơ quan liên quan có thẩm quyền giải thích nhưng các HTX vẫn không đồng thuận và tiếp tục kiến nghị tại nhiều hội nghị trong suốt những năm qua.

Vậy đâu là mấu chốt của vấn đề? Câu trả lời đó là các HTX còn tồn tại tư duy bao cấp nên đã hiểu sai về chính sách hỗ trợ của Nhà nước và ỷ lại vào ưu đãi. Các HTX chỉ hiểu đơn giản rằng chính sách tạo điều kiện cho HTX vay tới 1 tỉ đồng thì chỉ cần là HTX tới, ngân hàng phải giải ngân 1 tỉ đồng. Cũng chính tâm lý ỷ lại nên nhiều HTX đã nảy sinh ý tưởng kinh doanh không đúng với quy định của pháp luật, đó là sử dụng vốn vay với lãi suất ưu đãi để mở dịch vụ tín dụng nội bộ cho thành viên vay lại với lãi suất cao hơn và hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất. 

Mặc dù mới chỉ là ý tưởng song điều này cho thấy đó là kết quả của một thời gian dài ỷ lại vào chính sách hỗ trợ. Còn các HTX nông nghiệp thì cho rằng chính sách ưu đãi thuế có nghĩa là mọi hoạt động của HTX dù là sản xuất hay kinh doanh dịch vụ đều được miễn giảm hoặc không phải đóng thuế.

Thực tế, các HTX - nòng cốt của thành phần kinh tế tập thể bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế thị trường hiện nay. Hơn 15 năm qua, kể từ sau khi chuyển đổi, các HTX được định hình theo hướng tự chủ, thoát khỏi bao cấp. Vì vậy, không lý gì các loại hình kinh doanh khác tạo ra lợi nhuận phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước còn hoạt động kinh doanh tại các HTX thì không. Cùng với đó, muốn thụ hưởng chính sách ưu đãi, các HTX phải đáp ứng được các điều kiện đi kèm. Cơ chế chỉ tạo điều kiện một phần nhằm hỗ trợ những thành phần kinh tế yếu thế hơn giải quyết những khó khăn chung mang tính hoàn cảnh, nhằm tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh trong xã hội. 

Như khi quyền sử dụng đất của HTX là tài sản của Nhà nước nên không đủ đảm bảo thế chấp vay vốn ngân hàng; Nhà nước hỗ trợ bằng cách chấp nhận đó là tài sản tín chấp, đủ năng lực giúp HTX giao dịch với ngân hàng ở mức tối đa 1 tỉ đồng. Hay, miễn giảm thuế đối với các hoạt động sản xuất nông nghiệp, phục vụ sản xuất nông nghiệp vì các hoạt động này không tạo ra lợi nhuận. Không có bất kỳ thành phần kinh tế nào, Nhà nước cho không, nuôi không; vì vậy kinh tế tập thể nếu ỷ lại vào hỗ trợ, đòi hỏi được “nuông chiều” thì sẽ tự đào thải mình khỏi quy luật cạnh tranh.

Có lẽ đã đến lúc, các HTX hiểu sâu sắc rằng hỗ trợ chỉ là đồng hành giúp phát triển chứ không phải là bao cấp như một thời đã qua. Vì vậy, các HTX buộc phải nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua việc đáp ứng các yêu cầu của đối tác và khách hàng.

Nguồn: http://www.baophuyen.com.vn