Hoa quả từ vườn đến chợ chênh “khủng”, nông dân khóc ròng
- Thứ sáu - 05/08/2016 10:22
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cách đây khoảng một tháng, thanh long ruột đỏ tại Tiền Giang, Long An vào mùa thu hoạch, tại vườn, thanh long chất như ngả rạ, thương lái vào chọn trả giá chỉ 3.000đ/kg, hàng đẹp lắm cũng chỉ ở mức 3.500đ/kg. Đó là những loại thanh long hàng “đầu” (hàng loại 1) còn đối với thanh long loại 2, 3 họ từ chối mua. Người nông dân dở khóc, dở cười với đóng thanh long thu hoạch với giá bèo, họ hò nhau chở ra vệ đường bán với giá như cho chỉ 1.000 - 2.000đ/kg với hi vọng vớt được đồng nào tiền vốn hay đồng đó.
Trong khi đó, tại Hà Nội giá thanh long ruột đỏ vẫn cao ngất ngưởng 30.000đ/kg, thanh long ruột trắng 20.000đ/kg (gấp 8 - 10 lần) giá thanh long ở vườn. Và rồi cũng chỉ ồ ạt trong khoảng 1 -2 tuần. Những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7 các chợ Hà Nội cháy thanh long trong thời gian 1 tuần vì không có hàng chuyển về, giá thanh long bán lẻ ruột trắng lên tới 50.000đ/kg.
Ngay sau đó, nguồn cung dồi dào, đến nay thanh long ruột đỏ tại Hà Nội vẫn duy trì 30.000 - 35.000đ/kg còn thanh long ruột trắng là 18.000 - 20.000đ/kg. Có lẽ trong lúc người nông dân vẫn chưa hiểu vì sao “nơi thừa, nơi thiếu” như vậy, thì người tiêu dùng Hà Nội vẫn phải chấp nhận mua hoa quả giá cao với lý do vô cùng vô lý - không có hàng.
Gần đây giá chôm chông tại các vườn ở Đồng Nai chỉ có 5.000đ/kg (chôm chôm thường) và 15.000đ/kg (chôm chôm nhãn). Nhiều nhà vườn khóc dở vì giá chôm chôm chỉ bằng một nửa so với cụ trước và thời điểm đầu mùa. Không ít gia đình từ vụ thu hoạch chôm chôm hiện nay đã tính trồng cây khác, chặt bỏ cây chôm chôm truyền thống.
Nghịch lý nơi đắt cắt cổ, nơi rẻ như cho lại diễn ra, các quầy hoa quả tại Hà Nội như Chợ Hôm, Chợ Hàng Da, chợ Mơ, giá chôm chôm thường lên tới 30.000đ/kg, trong khi đó, chôm chôm nhãn có sạp bán 80.000đ/kg (gấp 5 - 6 lần giá bán tại vườn).
Có nhiều nhà quản lý cho rằng nghịch lý nơi giá cao, nơi giá thấp là do chúng ta chưa giải quyết dứt điểm khâu lưu thông hay nói cách khác do thị trường chúng ta còn phụ thuộc chặt chẽ vào thương lái. Việc dìm giá hay nâng giá cũng do một bộ phận thương lái thực hiện. Kết quả là người nông dân chịu thiệt còn người tiêu dùng vẫn phải chấp nhận giá cao khi mua hàng.
Trong lúc, ngành nông nghiệp vẫn đang cố gắng để tìm cách đưa công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, quản lý sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, sạch nhưng nếu như chúng ta không giải quyết dứt điểm khâu lưu thông - tìm đường ra ổn định cho nông sản thay vì phụ thuộc vào thương lái thì mãi mãi nền sản xuất nông nghiệp truyền thống vẫn không thể là chỗ dựa vững chắc cho người nông dân khi sản xuất sản phẩm của mình.
Theo danviet.vn