Hơn 38.300 ha nuôi tôm bị dịch bệnh
- Thứ ba - 26/06/2012 10:06
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo Tổng cục Thủy sản, hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm xuất hiện tại vùng ĐBSCL từ năm 2010 và đến năm 2011 thì bùng phát thành dịch trên diện rộng, gây thiệt hại trên 97.000 ha tập trung ở các tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre. Năm 2012 dịch bệnh bùng phát thêm các tỉnh Trà Vinh, Kiên Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi Bình Định, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Qua thống kê, đến thời điểm này, diện tích tôm bị thiệt hại do dịch bệnh là 38.381 ha. Trong đó, Trà Vinh là tỉnh thiệt hại nặng nhất với tổng diện tích gần 10.000 ha, tiếp theo là Cà Mau gần 9.000 ha, Sóc Trăng hơn 7.300 ha, Bạc Liêu gần 7.000 ha…
Trước diễn biến của dịch bệnh, từ năm 2011 Bộ NNPTNT đã giao cho Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II khẩn cấp xác định nguyên nhân gây dịch bệnh. Kết quả điều tra của viện cho thấy hầu hết các trang trại nuôi tôm không có ao lắng và ao xử lý nước trước khi cấp cho ao nuôi. Việc dùng thuốc bảo vệ thực vật Cypermethrin diệt giáp xác trong ao tôm khá phổ biến. Kết quả nghiên cứu cho thấy sự hiện diện của Cypermethrin trong ao nuôi tôm là một tác nhân gây hội chứng gan tụy trên tôm.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát chỉ đạo: Trong thời gian tới cần ưu tiên, tiếp tục làm rõ nguyên nhân để hỗ trợ nông dân. Trong đó trọng tâm là đối phó với hội chứng suy gan tụy trên tôm nước lợ. Đồng thời, Tổng cục Thủy sản cần sớm đưa ra quy trình nuôi từ xử lý nguồn nước, đáy ao, con giống, mật độ, thời vụ… để hạn chế dịch bệnh.