Hướng dẫn kỹ thuật trồng ớt cay

Hướng dẫn kỹ thuật trồng ớt cay
Ớt cay là cây trồng có giá trị kinh tế cao và có thị trường tương đối ổn định cả trong và ngoài nước. Những năm gần đây, trên địa bàn Hà Tĩnh, một số công ty đã ký hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ với người dân. Để hỗ trợ kỷ thuật cho bà con nông dân trồng ớt cho năng suất cao, quản lý sâu bệnh tốt, chúng tôi hướng dẫn quy trình kỷ thuật như sau:

1. Thời vụ, giống
- Ở Hà Tĩnh nên trồng ớt trong vụ Đông Xuân: Gieo hạt từ tháng 10 đến tháng 12, chuyển trồng từ  tháng 11 đến tháng 1,  thu hoạch từ  tháng 3.
- Giống: Sử dụng giống ớt chỉ thiên số 25, ớt lai số 20 ….
2. Gieo ươm cây giống
          - Lượng hạt giống :  20 gam / 1 sào (500m 2).                      
- Ngâm ủ hạt giống: ngâm hạt giống trong nước ấm (2 sôi 3 lạnh)  từ 4-6 giờ, vớt ra, ủ vào khăn bông ẩm sau đó cho vào túi nilon buộc kín miệng cho đến khi hạt bắt đầu nảy mầm thì đem gieo (Thường sau 2 ngày  thì ớt nảy mầm).
- Gieo ươm trên khay ươm hoặc  trên luống đã làm đất tơi xốp.
Chọn đất thoát nước, tới xốp, giàu hữu cơ. Đất cày bữa kỹ, lên luống, bón bổ sung phân chuồng hoai, luống rộng 1-1.2 m rãnh 0,25 m. Gieo hạt theo hàng hoặc gieo vãi, sau khi gieo, tiến hành phủ tro trấu hoặc rơm chặt nhỏ, tưới nước giữ ẩm. Chuyển trồng khi cây con đưa trồng vào lúc 30-35 ngày tuổi(4- 6 lá)
Đối với cây giống gieo trên luống ươm, cần tưới ẩm mềm đất trước khi nhổ trồng để hạn chế đứt rễ.
 
 
Mô hình trồng ớt cay liên kết với công ty Nafood Nghệ An tại Thạch Trị - Thạch Hà vụ Đông – Xuân 2016 - 2017
3. Làm đất, chuyển trồng
- Mật độ khoảng cách: luống rộng 1,2m trồng hàng đôi, hàng cách hàng cách hàng 60 cm; cây cách cây: 50 cm. mật độ 28 vạn cây/ha
- Mật độ: 28 vạn cây/ha
- Đất bón vôi, cày bừa, lên luống, bón lót phân chuồng và phân vô cơ
- Không nên chuyển trồng vào những ngày nắng to, khô hanh, trông xong cần tưới đủ ẩm để giúp cây ra rễ nhanh.
4. Chăm sóc
a. Phân bón:
+ Bón lót: Lượng bón tính trên một sào (500m2): Vôi 25 kg, phân chuồng 0,6-0,8 tấn, Kalisunfat (kali  trắng): 2 kg; NPK (16:16:8): 25 kg.
+ Bón thúc: Chia làm 4 lần bón (lượng bón tính trên 1 sào 500 m2)
Lần 1: Sau khi trồng ớt được 20 - 25 ngày : Urê: 3Kg; NPK (16: 16: 8): 5Kg;  Kali: 2,5 kg; Calcium nitrat: 3Kg
Lần 2:  Khi ớt bắt đầu ra hoa (50-55 ngày): Urê: 3Kg; NPK (16:16: 8): 5Kg; Kaliclorua: 2 kg; Calcium nitrat: 3kg
Lần 3:  Khi ớt bắt đầu thu bói: Urê: 3Kg; NPK (16:16: 8): 10 – 15 kg – 15Kg;  Kali: 2.5 kg; Calcium nitrat: 3Kg.
Lần 4:  Khi ớt cho thu hoạch rộ ( sau trồng 100-110 ngày): Urê:  3Kg; NPK(16: 16: 8): 5Kg;  kali:  2.5kg; Calcium nitrat: 3 kg
b. Làm cỏ, tưới nước:
          - Làm cỏ, xới xáo, vét rãnh, vùn luống khi cây ớt bắt đầu ra hoa.
          - Tưới đủ ẩm, giai đoạn ra hoa không tưới vào buổi sáng, những ngày ít nắng nên tưới sớm tránh hiện tượng ẩm ướt trên ruộng.
c. Tỉa cành, làm giá đỡ:
          -  Tỉa cành, lá: Tỉa toàn bộ cành dưới điểm phân nhánh, tỉa bỏ các lá già để tạo thông thoáng trên ruộng. tiến hành tỉa vào các ngày nắng ráo.
          - Làm già đỡ: Dùng cọc tre cao khoảng 1,2 m đóng dọc theo luống trồng, cọc cách cọc 1m, dùng dây nilon quây xung quanh luống dọc theo cọc tre để đỡ các cành, tránh gãy cành hoặc đỗ ngã khi mưa gió.
5. Phòng trừ sâu bệnh
Tiến hành phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại: Bệnh thán thư, bệnh đốm lá vi khuẩn, bệnh thối mềm vi khuẩn, sâu ăn lá, rệp, sâu xanh đục trái, nhóm chích hút (Bọ trĩ, bọ phấn trắng)… theo đúng hướng dẫn trên bao bì các loại thuốc đặc hiệu.
6. Thu hoạch:
Thu hoạch ớt khi trái bắt đầu chuyển màu vàng, đỏ. Ngắt cả cuống trái, tránh làm gãy nhánh. Ớt thường cho thu hoạch 35- 40 ngày sau khi trổ hoa. /.
 
Theo Chi cục Trồng trọt & BVTV/sononghiephatinh.gov.vn