Hướng dẫn phòng trừ bệnh đạo ôn

Thời gian qua, bệnh đạo ôn lá đã phát sinh trên diện rộng khiến một số diện tích lúa đông xuân bị cháy chòm. Hiện nay, trời lạnh về đêm, sáng có sương mù, ngày nắng nhẹ xen kẽ có mưa rải rác là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát triển, gây hại trên cổ bông, cổ gié trong giai đoạn lúa trổ. Để phòng trừ bệnh có hiệu quả, Chi cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn một số biện pháp sau:
Nông dân cần tích cực thăm đồng để kịp thời phát hiện bệnh đạo ôn. Ảnh: V.SỰ
Nông dân cần tích cực thăm đồng để kịp thời phát hiện bệnh đạo ôn. Ảnh: V.SỰ

- Tăng cường thăm đồng trong giai đoạn lúa trổ để phát hiện bệnh kịp thời. Khi xác định bệnh chớm xuất hiện (cổ bông lúa có vết bệnh nâu đen nhỏ như đầu kim) thì tiến hành dùng thuốc phun trừ.

- Đối với các ruộng sử dụng những giống nhiễm bệnh nặng, như: 13/2, BC15, KD18, HT1, Q.Nam1, PC6... thì nhất thiết phải tiến hành phun thuốc phòng bệnh trước hoặc sau lúa trổ 5 - 7 ngày.

- Tốt nhất nên dùng các loại thuốc đặc hiệu, như: Beam 75WP, Filia 525EC, Map famy 700WWP, Flash 75WP, Fuji-One 40EC... để phun trừ. Lưu ý, tối thiểu phải phun đạt 30 lít nước thuốc/sào.

Đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các xã, phường, thị trấn tổ chức khuyến cáo, hướng dẫn kịp thời cho nông dân. Các trạm bảo vệ thực vật phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đến với người dân thông qua tập huấn, hệ thống truyền thanh. Đồng thời, thông báo cho các đại lý, cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật để phối hợp tư vấn, cung ứng thuốc đặc hiệu cho nông dân phòng trừ bệnh.

Theo nongthonmoi.net