Hướng dẫn phòng trừ rầy nâu lưng trắng hại lúa vụ Xuân 2016

Hướng dẫn phòng trừ rầy nâu lưng trắng hại lúa vụ Xuân 2016
Sản xuất vụ Xuân 2016 đến thời điểm hiện nay đã có khoảng 52 nghìn ha lúa trổ bông chiếm hơn 90% diện tích gieo cấy, số diện tích còn lại dự kiến sẽ trổ xong trước ngày 15/5.
 
 Qua điều tra của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh và báo cáo của Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi các huyện, thành phố, thị xã đến ngày 10/5/2016, rầy nâu, rầy lưng trắng tiếp tục phát sinh gây hại, mật độ phổ biến 500-1.000 con/m2, nơi cao 3.000-4.000 con/m2, cục bộ ổ 5.000-7.000 con/m2 tập trung ở các địa phương: Cẩm Xuyên (Cẩm Dương, Cẩm Phúc...), Thạch Hà (Thạch Văn, Thạch Trị, Thạch Hội...), Lộc Hà (Ích Hậu, Tân Lộc..), Can Lộc (Vượng Lộc, Kim Lộc...), diện tích nhiễm 200ha, nhiễm nặng 21ha (Cẩm Xuyên 85ha, Đức Thọ 40ha, Kỳ Anh 36ha, Thạch Hà 15 ha, Lộc Hà 11ha...), tuổi rầy phổ biến tuổi 4, tuổi 5, trưởng thành và có sự xen gối lứa. Dự báo từ nay đến cuối vụ thời tiết tiếp tục nắng nóng, có mưa rào xen kẻ là điều kiện thuận lợi cho rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh gây hại nặng trên diện rộng và nguy cơ cháy rầy sẽ xẩy ra vào thời kỳ lúa chín sữa trở đi. Để chủ động trong công tác phòng trừ, hạn chế thiệt hại do rầy gây ra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật sau:


- Thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính dự báo, khi phát hiện rầy có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển và năng suất lúa, tiến hành khoanh vùng, chỉ đạo phun trừ kịp thời bằng các loại thuốc hoá học sau:
Victory 585EC: Pha 15ml thuốc vào bình 12 lít nước, phun 3 bình/sào.
F16 600EC: Pha 15ml thuốc vào bình 12 lít nước, phun 3 bình/sào.
Wavotox 585EC: Pha 15ml thuốc vào bình 12 lít nước, phun 3 bình/sào.
Fidur 220EC: Pha 25ml thuốc vào bình 12 lít nước, phun 3 bình/sào.
Chess 50 WG: Pha 7,5 gam thuốc vào bình 12lít nước phun 2-3 bình/sào....
- Duy trì mực nước thích hợp trên ruộng tạo điều kiện thuận lợi cho lúa trổ bông - chín và nâng cao hiệu quả phòng trừ rầy.
- Kỹ thuật phun: Tranh thủ thời tiết thuận lợi để tiến hành phun thuốc, không phun thuốc vào lúc thời tiết nắng nóng hoặc có mưa, những ngày nắng nóng phun thuốc trước 9 giờ sáng hoặc sau 4 giờ chiều; pha thuốc đúng nồng độ, liều lượng theo hướng dẫn, trước khi phun thuốc phải rẽ lúa thành băng rộng 0,6-0,8m, phun đảm bảo thuốc tiếp xúc với rầy, sau khi phun thuốc 5-7 ngày kiểm tra nếu mật độ rầy trên đồng ruộng còn cao tiến hành phun lại lần 2. 
- Tiến hành thu hoạch sớm đối với những diện tích lúa đã chín bị nhiễm rầy nặng.
 Bên cạnh rầy nâu, rầy lưng trắng cần quan tâm theo dõi các đối tượng khác như: Bệnh khô vằn, sâu đục thân, chuột… để chủ động phòng trừ./.
Nguồn sonongnghiephatinh.gov.vn