Hướng đi nào cho mô hình rau sạch?

Từ một số diện tích cấy lúa kém hiệu quả, người dân xã Hạ Long (huyện Vân Đồn) đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng rau an toàn. Nhờ những nỗ lực, từ mô hình ban đầu mang lại hiệu quả cao đã phát triển mạnh thành phong trào, góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con nông dân. Tuy nhiên mô hình hiệu quả này đang vấp phải những khó nhất định.

Mô hình trồng rau sạch theo hướng hữu cơ được bà con nông dân xã Hạ Long triển khai thực hiện từ năm 2010 với sự hỗ trợ về quy trình kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn. Sau 3 năm triển khai, mô hình này đã cho thấy hiệu quả kinh tế rõ ràng, được nhiều hộ gia đình hưởng ứng. Được giới thiệu, chúng tôi tới thăm mô hình rau sạch ở thôn 6 xã Hạ Long. Nhờ có sự hỗ trợ về giống, vốn... các hộ dân trong thôn đã mạnh dạn chuyển sang trồng rau sạch. Được hướng dẫn kỹ thuật nên các hộ dân nay đã thành thục trong việc chăm sóc từ khâu làm cỏ, khử vôi cho đất, ủ phân đến nguồn nước sạch tưới tiêu cho cây trồng. Bởi vậy các vườn rau luôn xanh tốt, không sâu bệnh và đảm bảo không sử dụng thuốc sâu hay bất kỳ một  hoá chất gây hại nào khác. Đến nay thôn 6 đã có hàng chục hộ dân tham gia mô hình trồng rau sạch. 

Chị Lê Thị Hoa, thôn 6, xã Hạ Long cho biết: Những năm trước, gia đình thường trồng rau đại trà theo kinh nghiệm truyền thống nên hiệu quả không cao, lúc được mùa lúc mất mùa. Nên tôi đã chuyển sang mô hình trồng rau sạch trên diện tích 5 sào đất. Trồng rau sạch đem lại hiệu qủa cao hơn rất nhiều so với các loại cây trồng khác. Tuy đầu tư công sức cho sóc công phu hơn nhưng thu nhập khá cao.

Chăm sóc rau ở mô hình rau sạch thôn 6, xã Hạ Long
Trồng rau sạch tại thôn 6, xã Hạ Long (Vân Đồn).

Chỉ sau gần 3 năm thực hiện, mô hình trồng rau sạch trên đại bàn xã Hạ Long đã thu hút được trên 100 hộ dân tham gia. Đời sống của nhiều người trồng rau đã được cải thiện đáng kể. Thu nhập hàng năm ổn định.

Chị Nguyễn Thị Quyết, nông dân thôn 5, xã Hạ Long cho biết: Áp dụng mô hình rau sạch, gia đình chúng tôi có thu nhập trung bình khoảng 75 triệu/xào, cao hơn so với nhiều mô hình cây con từng áp dụng. Với quy mô 3-4 vụ/năm, trồng rau sạch đưa lại thu nhập từ 200-300 triệu/năm, nhờ đó chúng tôi mua sắm được nhiều trang thiết bị, trang trải cuộc sống. Thời gian tới, nếu được hỗ trợ vốn, chúng tôi sẽ đầu tư nhà lưới để đảm bảo chất lượng rau, trồng các loại rau trái vụ...

Tuy nhiên, cái khó trong việc phát triển mô hình trồng rau sạch hiện nay của các hộ nông dân là thị trường tiêu thụ vẫn chưa ổn định, giá cả còn nhiều bếp bênh, thậm chí giá bán của rau sạch không hơn rau bình thường là mấy. Trong khi đó, rau sạch lại có quy trình chăm sóc và đầu tư tốn kém hơn. Trên thực tế, hiện bài toán tiêu thụ với người trồng rau xã Hạ Long vẫn còn chưa có lời giải. Người dân vẫn chủ yếu tiêu thụ trong phạm vi địa phương, vẫn phải tự chở ra các chợ đầu mối, chợ huyện tiêu thụ theo cách thức truyền thống. Người dân có thể bán cho thương lái vào thu mua nhưng giá bán lại rất thấp.

Ông Hà Văn Quang, Chủ tịch Hội Nông dân, xã Hạ Long cho biết: Đây là một mô hình hiệu quả, đúng kỹ thuật, khẳng định được chất lượng, đem lại thu nhập cao, ổn định, cần phải nhân rộng. Tuy nhiên, hiện rau sạch xã Hạ Long đang được triển khai mà chưa có một hướng đi, sự hỗ trợ cụ thể nào về: nâng tầm thương hiệu, kết nối với các doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm, đảm bảo quyền lợi cho người trồng rau...

à
Người trồng rau sạch xã Hạ Long vẫn gặp nhiều khó khăn ở khâu tiêu thụ.

Chị Nguyễn Thị Quyết cũng chia sẻ: Giá trị cây rau sạch vẫn chưa được đánh giá đúng mức. Tôi mong rằng được quan tâm xây dựng thương hiệu để người dân có định hướng sản xuất, có đầu ra ổn định, có khả năng tiêu thụ ở các thị trường khó tính, hoặc ở các siêu thị...

Hiệu quả từ mô hình trồng rau sạch cho thấy bà con nông dân nơi đây đã rất tích cực, chủ động trong việc tìm tòi và phát triển các mô hình kinh tế phù hợp, từ đó giúp nhiều hộ nông dân có một hướng đi mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từng bước xoá đói giảm nghèo vươn lên làm giàu từ chính mảnh đất của mình. Để mô hình trồng rau sạch an toàn ngày càng phát huy hiệu quả, các cấp các ngành địa phương cần có những chính sách quan tâm đầu tư đúng mức để các hộ phát triển mô hình, xây dựng thương hiệu rau sạch... để người nông dân yên tâm sản xuất. Về lâu dài, nếu phát triển vùng tập trung trồng rau sạch cần tìm được đầu ra ổn định, có quy hoạch cụ thể để người dân yên tâm sản xuất.

Theo baoquangninh.com.vn