Hướng mở cho nông sản chất lượng cao
- Thứ sáu - 10/03/2017 03:28
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hình thành vùng chuyên canh
Trên địa bàn quận Thốt Nốt hiện có 6 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hoạt động, cùng 14 câu lạc bộ và tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp. Từ mô hình của các câu lạc bộ, tổ hợp tác và HTX, quận đã xây dựng những cánh đồng lớn và mô hình liên kết hợp tác sản xuất, với sự tham gia của doanh nghiệp trong bao tiêu đầu ra sản phẩm. Theo Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, đối với sản xuất lúa, quận đã củng cố và mở rộng 6 cánh đồng lớn (CĐL) ở 5 phường, tổng diện tích xuống giống trong vụ đông xuân 2016-2017 đạt 680,36ha (có 104ha lúa giống) với 823 hộ tham gia sản xuất. Qua nhiều vụ sản xuất, năng suất lúa trong CĐL cao hơn từ 0,2-0,3 tấn/ha so với cánh đồng ngoài mô hình; giá thành sản xuất thấp hơn từ 300-500 đồng/kg, lợi nhuận cao hơn từ 1,8-3 triệu đồng/ha đối với lúa hàng hóa, từ 4,5-5,5 triệu đồng/ha đối với lúa giống và từ 2-2,7 triệu đồng/ha đối với nếp, so với ngoài mô hình.
Quận Thốt Nốt còn có nhiều đơn vị, doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh lúa giống theo hình thức liên kết với nông dân, hoặc đặt hàng nông dân sản xuất, tạo điều kiện nâng cao thu nhập trên cùng diện tích cho nông dân. Nhiều hộ dân trên địa bàn quận còn liên kết hình thành các câu lạc bộ, tổ hợp tác và HTX sản xuất lúa giống. Cụ thể, trong 6 HTX nông nghiệp đang hoạt động tại quận, hiện có 3 HTX giống nông nghiệp, còn lại 2 HTX nuôi trồng thủy sản và 1 HTX sản xuất rau an toàn. Năm 2016, quận đã khuyến khích, hướng dẫn nông dân chuyển đổi từ sản xuất lúa hàng hóa sang sản xuất lúa giống được 1.136ha. Thu nhập bình quân 1ha sản xuất lúa giống cao hơn từ 5-7 triệu đồng so với sản xuất lúa hàng hóa.
Có thể nói, những mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo hướng chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm đã góp phần tăng thu nhập đáng kể cho nông hộ. Ngoài cây trồng chủ lực là lúa, quận Thốt Nốt còn phát triển thêm diện tích trồng rau màu, cây ăn trái và diện tích nuôi thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao. Năm 2016, diện tích gieo trồng rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày trên 4.331,5ha. Quận còn củng cố, xây dựng vùng sản xuất rau màu chuyên canh theo hướng an toàn tại 7 phường, với tổng diện tích hiện khoảng 87ha. Cụ thể, phường Thạnh Hòa có hơn 14,5ha chuyên canh trồng rau màu, phường Thuận Hưng 25ha, Thới Thuận hơn 17,4ha, Tân Lộc hơn 11,9ha, Trung Kiên 10,58ha, Thốt Nốt 1,55ha và Trung Nhứt hơn 5,3ha. Hiện trên địa bàn quận Thốt Nốt cũng có hơn 1.341ha cây ăn trái: xoài, mận, nhãn, cam, chôm chôm, sầu riêng... cho thu nhập ổn định.
Tín hiệu tích cực
Theo nhiều nông dân sản xuất lúa, rau màu và cây ăn trái trên địa bàn quận Thốt Nốt, đầu ra sản phẩm nông sản đang thuận lợi nhờ liên kết sản xuất theo hướng chất lượng cao và an toàn, thân thiện với môi trường. Hầu hết diện tích sản xuất lúa giống và nhiều diện tích sản xuất lúa thơm, lúa chất lượng cao đều được các đơn vị, doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu ngay đầu vụ. Sản phẩm rau màu, cây ăn trái của nông dân Thốt Nốt sản xuất đã bắt đầu tiếp cận được các kênh bán hàng hiện đại như: siêu thị, nhà hàng, khách sạn lớn…trên địa bàn thành phố.
Ông Nguyễn Văn Lăng, Giám đốc HTX rau an toàn Phúc Thạnh, phường Thạnh Hòa cho biết: "Cuối năm 2016 đến nay, được sự hỗ trợ và kết nối của Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, HTX đã đưa 19 loại rau ăn quả và rau ăn lá vào bán tại siêu thị Co.opmart Thốt Nốt. Tuy số lượng vào siêu thị còn ít, khoảng 30kg các loại/đơn hàng cách nhau khoảng 1 ngày, nhưng là tiền đề thuận lợi để HTX vững tin có thể đưa hàng vào các kênh tiêu thụ phân khúc thị trường cấp cao". Theo ông Lăng, HTX rất mong các ngành chức năng ở quận và thành phố tiếp tục hỗ trợ, kết nối để HTX có thể đưa hàng vào nhiều siêu thị và trung tâm thương mại trên địa bàn TP Cần Thơ.
HTX rau an toàn Phúc Thạnh hiện có 7 xã viên, với diện tích sản xuất 5,3ha, có khả năng cung cấp cho thị trường vài tấn rau các loại mỗi ngày. Từ năm 2009, các xã viên HTX rau an toàn Phúc Thạnh được ngành Nông nghiệp và các ngành chức năng thành phố và quận Thốt Nốt hỗ trợ, tập huấn sản xuất và cấp Giấy chứng nhận sản xuất rau theo tiêu chuẩn an toàn.
Theo bà Nguyễn Thị Xoàn, ở khu vực Tân Phước, phường Thuận Hưng, gia đình có 8 công đất trồng cam mật và cam xoàn, vườn cam đang cho thu nhập khoảng 30-40 triệu đồng/công/năm. Những năm qua, nhiều hộ dân tại phường Thuận Hưng có thu nhập tốt hơn nhờ phát triển trồng các loại cây ăn trái đặc sản như: cam xoàn, cam mật, xoài, nhãn. Nhiều nông dân đã liên kết lại hình thành câu lạc bộ làm vườn và sản xuất các loại cây ăn trái theo hướng sạch, đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm nên có đầu ra sản phẩm khá thuận lợi.
Hiện nay, liên kết hình thành mô hình sản xuất sạch, an toàn là xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp. Các HTX, tổ hợp tác và câu lạc bộ sản xuất được quận, thành phố và các sở, ngành chức năng hỗ trợ lập hồ sơ, gửi đến các cơ quan chức năng cấp chứng nhận. Đến nay, quận có 1 HTX, 3 câu lạc bộ và tổ sản xuất cây ăn trái, 5 tổ sản xuất rau màu được Chi cục Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ đánh giá đạt điều kiện sản xuất an toàn. Theo bà Nguyễn Thị Mãi, Phó Trưởng Phòng Kinh tế quận Thốt Nốt, trên cơ sở được chứng nhận sản xuất an toàn, phòng tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan để kết nối cung-cầu, giới thiệu sản phẩm của các HTX, câu lạc bộ và tổ sản xuất đến các siêu thị và nhà hàng lớn trên địa bàn thành phố, trong đó có siêu thị Co.opmart Thốt Nốt. Hiện một số tổ hợp tác, HTX đã được siêu thị Co.opmart Thốt Nốt và một số nhà hàng khách sạn tại TP Cần Thơ ký hợp đồng thu mua nhiều loại rau màu và trái cây. Tuy số lượng tiêu thụ chưa nhiều, nhưng đây là hướng mở triển vọng cho nông sản sạch.
Nguồn: baocantho.com.vn