Huyện Thăng Bình quyết tâm làm OCOP với 26 sản phẩm chủ lực
- Thứ sáu - 03/08/2018 10:57
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang được triển khai đồng loạt trên địa bàn huyện Thăng Bình với sự vào cuộc của các ngành chức năng và chính quyền, người dân ở 22 xã, thị trấn.
Những năm 1980, nhiều cánh đồng trồng nếp hương trải dài dọc sông Trường Giang, đoạn qua các xã Bình Đào, Bình Giang, Bình Dương. Theo thời gian, sản phẩm nông nghiệp đặc trưng này dần bị thu hẹp diện tích.
Mãi đến tháng 5.2018, triển khai OCOP, HTX Nông nghiệp Bình Đào mới phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Thăng Bình tái sản xuất nếp hương ở 5ha diện tích tại cánh đồng tập trung thôn Vân Tiên.
Ông Võ Tấn Sanh rất kỳ vọng vào thành công của chương trình trồng nếp hương
Ông Võ Tấn Sanh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Đào cho biết, dự kiến vụ thu hoạch đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 10 tới. “Hiện lúa nếp hương đang phát triển rất tốt. Chúng tôi đã phối hợp Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện tổ chức giới thiệu về đặc sản nếp hương Thăng Bình và đã có doanh nghiệp đặt mua sản phẩm” - ông Sanh phấn khởi nói.
Theo thỏa thuận, nếp hương Thăng Bình sẽ được bán với giá 60.000 đồng/kg, cao hơn gấp 4 lần so với các giống nếp khác.
Ngoài nếp hương, trên cánh đồng Thăng Bình người dân cũng đang tập trung đẩy mạnh các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu khác như nấm, chè, đậu phộng (lạc), mè đen, măng tây xanh, củ kiệu, nghệ, cà gai leo...
Theo ông Nguyễn Tấn Thu - Chủ tịch UBND xã Bình Đào, ngoài sản phẩm nếp hương, địa phương đang chủ động xúc tiến trồng các loại cây dược liệu để thu hoạch lá, bán ra thị trường dịp Tết Đoan ngọ (5.5 âm lịch hàng năm).
Theo người dân địa phương, lá mùng 5 gồm nhiều loại cây dược liệu, nếu được phơi đúng 12 giờ trưa ngày 5.5 âm lịch sẽ có tác dụng rất tốt cho sức khoẻ. Ảnh: I.T
Theo tập quán địa phương từ xưa, cứ vào ngày 5.5 âm lịch là người dân Quảng Nam lại lấy nhiều loại lá cây rừng chặt nhỏ, phơi khô làm nước uống quanh năm, gọi là “lá mùng 5”. Lá mùng 5 có nhiều loại, như chùm đường, đinh lăng, chè, dâu, hóc hương, rẽ quạt, đại tướng quân, thuốc cứu, chó đẻ, cỏ bàng, lá dằn, lá chổi…
“Lá mùng 5 bây giờ đã trở thành sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của xã Bình Đào cũng như nhiều địa phương trong tỉnh, được tiêu thụ rất mạnh, đem lại thu nhập cao cho người dân” - ông Thu nói.
Theo UBND xã Bình Đào, trung bình 1 sào trồng cây dược liệu lấy lá mùng 5 cho thu nhập 20 triệu đồng/vụ/năm, tính ra 1ha khoảng 400 triệu đồng, trong khi trồng lúa, chỉ thu được 75 triệu đồng/2 vụ/năm.
“Trồng cây lấy lá mùng 5 còn có thể tận dụng nhiều diện tích đất hoang hóa, nên giải pháp của xã là sẽ tích tụ, tập trung ruộng đất để trồng đại trà, tạo sản phẩm hàng hóa lớn. Các diện tích đất bỏ hoang lâu nay cũng được quy hoạch, cải tạo lại để trồng các loại cây lấy lá mùng 5” – ông Thu cho hay.
Sau khi được phơi khô, "lá mùng 5" được người dân cho vào túi nylon bảo quản tránh bị ẩm mốc. I.T
Ông Đoàn Thanh Khiết-Trưởng phòng NNPTNT huyện Thăng Bình cho biết, huyện đã có 26 sản phẩm được nghiên cứu, lựa chọn triển khai OCOP. Trong đó, 3 sản phẩm tham gia thí điểm OCOP năm 2018 của tỉnh là nước mắm Cửa Khe, chè vằng Bình Phú và bún khô từ gạo đen Bình Quý.
Để triển khai thực hiện tốt OCOP trên địa bàn, Phòng NNPTNT đang phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn chính quyền địa phương và người dân ở 22 xã, thị trấn triển khai tốt các nội dung, phương án về OCOP.
Ngành nông nghiệp cũng đã tham mưu UBND huyện Thăng Bình thành lập Ban chỉ đạo, Hội đồng đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn hoàn thiện, nâng cấp các cơ sở sản xuất để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP…
Theo Mạnh Hùng (danviet.vn)