Kết nối nhà nông - nhà khoa học tại Thái Bình
- Thứ tư - 13/08/2014 23:18
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chương trình do Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NNPTNT) và Hội ND tỉnh Thái Bình tổ chức. 4 nhà khoa học tham gia chương trình là PGS-TS Lê Văn Năm- chuyên gia chăn nuôi thú y; TS Bùi Quang Tề- chuyên gia thủy sản; TS Ngô Vĩnh Viễn- chuyên gia trồng trọt và bảo vệ thực vật; chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng.
Hỏi gì đáp nấy
Chưa đầy 10 phút sau khi khai mạc, 4 nhà khoa học đã nhận được gần 100 câu hỏi của các nhà nông. Ông Nguyễn Văn Chiến, ND xã Quỳnh Bảo (Quỳnh Phụ) đặt 3 câu hỏi về xử lý sâu đục quả đậu tương; bón phân để không bị chai đất; hiện tượng năng suất ngô giảm dần qua các vụ… Trả lời, TS Ngô Vĩnh Viễn khuyến cáo: “Vì đậu tương là cây thực phẩm nên phải phun thuốc trước khi trứng nở thành sâu non đục vào quả đậu tương để tránh tàn dư thuốc BVTV; cần quay lại cách làm phân chuồng, bón tăng loại phân này cho cây trồng; hạn chế thâm canh ngô liên tục qua các vụ mà cần có luân canh các loại cây trồng khác để khử các mầm bệnh và làm sạch đất…”.
Sau khi trả lời hàng chục câu hỏi liên quan đến kỹ thuật nuôi thủy sản, TS Bùi Quang Tề lưu ý: “Dù đã nói nhiều, hướng dẫn nhiều, một lần nữa tôi xin tặng bà con 8 chữ vàng để nuôi thủy sản thành công là “tháo cạn; khử trùng; vét bùn, phơi khô” và ông khuyến cáo: Vôi nung là loại thuốc không thể thiếu đối với nuôi thủy sản”.
PGS-TS Lê Văn Năm là người nhận được nhiều câu hỏi nhất. Với chất dí dỏm, ông trả lời liên tục, vừa lý giải bệnh tật vật nuôi bằng lời, vừa phải dùng bút lông ghi tên thuốc điều trị lên trên cái bảng trắng. Dưới hội trường, ND tai nghe, mắt nhìn, tay ghi chép…
Tự tin hơn trong công việc
Gần 3 tiếng đồng hồ, 4 nhà khoa học thay phiên nhau giải đáp cả trăm câu hỏi, thắc mắc của các nhà nông. Nhiều câu trả lời nhà khoa học bắt buộc phải dùng “tiếng Tây” để chỉ tên bệnh, tên thuốc khiến không ít ND “ù tai, hoa mắt”.
Anh Vũ Văn Tuấn- chủ trang trại nuôi lợn ở huyện Hưng Hà chia sẻ: “Những tên bệnh, tên thuốc liên quan đến con lợn nhà khoa học nêu lên tôi đều biết hết, chỉ những người không nuôi lợn, hoặc nuôi nhỏ, lẻ mới thấy lạ. Điều quan trọng là qua buổi gặp gỡ hôm nay, các nhà khoa học đã giúp tôi nhận biết nhanh hơn, cách xử lý tốt hơn về các loại bệnh trên đàn lợn”.
Anh Vũ Viết Kiên ở xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Phụ) thổ lộ: “Bữa nay tôi mới biết cách phân biệt và xử lý thuốc đối với 2 loại bệnh thường gặp trên đàn gà nuôi là bệnh đầu đen và Marek…”.
Ông Nguyễn Hoàng Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình khẳng định: “Chương trình “Nhịp cầu nhà nông” là cách tăng cường liên kết, tạo môi trường giao lưu trực tiếp giữa nhà khoa học và nhà nông. Chương trình góp phần thúc đẩy ND mạnh dạn áp dụng KHKT vào sản xuất, đầu tư chăn nuôi, trồng trọt những giống cây, con mới, có giá trị kinh tế cao…”.