Khá lên nhờ GAP

Khá lên nhờ GAP
Ở ấp Suối Thông B (xã Đạ Ròn, Đơn Dương, Lâm Đồng) có một tổ hợp tác của mấy chục hộ nông dân trồng rau.
Nhờ kiên trì SX rau củ quả theo tiêu chuẩn GAP (thực hành nông nghiệp tốt) mà luôn có đầu ra ổn định...
 
08-28-04_nh-kh-len-nho-gp
Cà chua trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của Tổ hợp tác rau an toàn Suối Thông

Đó là tổ hợp tác rau an toàn Suối Thông, do ông Đinh Trọng Hùng làm tổ trưởng. Ông Hùng là người có nhiều năm kinh nghiệm SX rau củ quả. Lúc đầu, ông khởi nghiệp bằng cây bắp, cây lúa. Tới năm 2000, ông bắt đầu chuyển sang trồng các loại rau củ quả.
Nắm bắt và làm chủ kỹ thuật SX các loại rau củ quả thích hợp với đất Đơn Dương không phải là chuyện khó đối với ông Hùng. Nhưng đầu ra cho sản phẩm thì lại luôn khiến cho ông phải trăn trở, âu lo, bởi phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái.
Thương lái thường xuyên ép giá người trồng rau và muốn mua bao nhiêu thì mua vì chẳng có gì ràng buộc giữa 2 bên. Do thường xuyên chịu thiệt thòi như thế, nên suốt nhiều năm trồng rau, ông Hùng cũng như nhiều hộ nông dân trong thôn vẫn chưa thể khá lên được.
Năm 2007, ông Hùng được một người quen giới thiệu hợp tác làm rau an toàn theo tiêu chuẩn MetroGAP để cung cấp cho hệ thống Metro. Chưa làm rau an toàn bao giờ, nhưng ông Hùng cũng mạnh dạn đồng ý và rủ một số người trong thôn như ông Phúc, ông Toản... cùng làm. Tổng cộng có 5 hộ đã tham gia cùng nhau lập thành một tổ hợp tác, với diện tích ban đầu chừng 5 ha.
Nhờ có kỹ sư hướng dẫn tận tình từng khâu, từng bước, từ việc ghi chép sổ sách hàng ngày tới sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu sao cho đúng lúc, đúng cách, không để lại dư lượng trên rau quả... nhóm của ông Hùng đã nhanh chóng nắm và làm chủ được quy trình SX rau của quả an toàn theo tiêu chuẩn MetroGAP.
Kế hoạch SX được xây dựng một cách bài bản, thiết thực, sao cho phù hợp với khả năng thu mua, tiêu thụ của siêu thị đối với từng loại sản phẩm... Nhờ đó, sản phẩm rau củ quả của họ đều được Metro tiêu thụ hết với giá cao hơn giá thị trường. Nhiều hộ trong thôn thấy vậy rủ nhau xin vào tổ hợp tác.
Hiện tại mỗi ngày tổ hợp tác cung ứng cho Metro khoảng 10 tấn rau củ quả VietGAP, chiếm tới 30% lượng rau củ quả ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng) cung ứng cho hệ thống siêu thị này.
Đến năm 2009, Tổ hợp tác rau an toàn Suối Thông đã có tới 30 hộ thành viên, với khoảng 40 ha đất SX. Tuy nhiên, làm GAP không phải ai cũng theo được. Những ai không đủ kiên nhẫn để luôn tuân thủ đúng theo quy trình SX hay chạy theo mối lợi trước mắt, sớm muộn đều đã bị đào thải ra khỏi tổ hợp tác.
Từ chỗ thành viên của tổ lên tới 30 hộ vào năm 2009, đến nay chỉ còn 20 hộ thành viên với trên 25 ha đất SX. Ông Hùng cho biết, nhiều hộ do ngại việc ghi nhật ký SX hàng ngày theo yêu cầu của SX theo tiêu chuẩn GAP, nên chỉ sau một thời gian ngắn tham gia, đã phải rời tổ hợp tác.
Có hộ có lô hàng bị phát hiện có dư lượng thuốc trừ sâu. Bên siêu thị đã ngưng mua lô hàng đồng thời yêu cầu hộ đó khắc phục. Nhưng hộ này không đáp ứng được điều đó nên bị loại. Năm ngoái, một hộ đưa sản phẩm bên ngoài vào, bị siêu thị phát hiện và bị cắt luôn hợp đồng.
Những hộ vẫn trụ được với SX theo GAP thì lại đang được hưởng trái ngọt, đó là đầu ra ổn định và giá bán luôn cao hơn giá thị trường 2.000 - 2.500 đ/kg. Có những thời điểm giá mua của siêu thị với sản phẩm GAP cao hơn tới 4.000 đ/kg so với giá sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Nhờ đó, theo ông Hùng, bình quân mỗi hộ trong tổ hợp tác có lợi nhuận bình quân 100 - 150 triệu đ/năm. Đời sống của các hộ khấm khá hẳn lên so với khi làm rau theo kiểu thông thường và bán cho thương lái như trước đây.
Chính vì thế, khi được vận động chuyển từ MetroGAP sang VietGAP, 20 hộ nông dân trong tổ hợp tác rau an toàn Suối Thông đều nhiệt tình tham gia và đến nay đều đã có chứng nhận VietGAP.
Theo: nongnghiep.vn