"Khát giữa biển thông tin” về mắc ca
- Thứ hai - 25/05/2015 03:57
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hàng loạt câu hỏi cụ thể này đã được anh Trần Văn Tráng - chủ trang trại cây ngắn ngày ở bản Buổn, phường Chiềng Cơi, thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) nêu lên với phóng viên Dân Việt. Anh Tráng nói, chỉ khi biết rõ những thông tin ấy, người dân mới chủ động đầu tư phát triển cây mắc ca và yên tâm với hướng sản xuất hàng hóa bền vững từ loại cây này.
“Ai có thể chỉ bảo giúp cho chúng tôi?”
Những câu hỏi của anh Tráng cũng là vấn đề chung của rất nhiều nông dân Tây Bắc. Từ cuối năm 2014 tới nay, câu chuyện về mắc ca đã làm dậy sóng dư luận và nông dân cả nước. Có thể nói có cả một “biển thông tin” về mắc ca trên báo chí, trong các hội thảo hay từ phát ngôn tranh luận gay gắt giữa các chuyên gia, nhà khoa học. Nhưng giữa biển thông tin hầu hết mang tính vĩ mô đó, nông dân vẫn rất khát những thông tin chi tiết, cụ thể, hữu ích về giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc, vốn vay và cơ chế hỗ trợ của Chính phủ.
Trên thực tế, “cây tỷ đô” đã được trồng tại nhiều vùng ở Tây Bắc từ hơn 10 năm trước. Tại Sơn La, mắc ca đã được trồng trên tổng diện tích hơn 100ha tại 5 huyện Vân Hồ, Mộc Châu, Mai Sơn, TP.Sơn La, Thuận Châu (tỉnh Sơn La). Tại Trung tâm Giáo dục lao động tỉnh Sơn La, trong số 360 cây được trồng từ năm 2002, một số cây có năng suất rất cao với 60kg quả/cây; bình quân thu mức 30kg quả/cây. Tại tỉnh Điện Biên, cây mắc ca cũng được trồng hàng trăm ha tại các huyện Tuần Giáo, Mường Ẳng…
Trao đổi với chúng tôi, anh Quàng Văn Năm, dân bản Nam, xã Hua La, thành phố Sơn La nói: “Tôi nghe các nhà khoa học khuyến cáo nên trông xen với cà phê. Với vườn cà phê 2 ha như nhà tôi thì có thể trồng xen tới 300 cây mắc ca, thu nhập có thể nhân đôi so với trồng đơn cây cà phê sau 8 năm kiến thiết cơ bản. Nhưng chúng tôi chưa biết là sẽ mua cây giống mắc ca tốt ở đâu, cây ghép như thế nào là chuẩn, giá thế nào là hợp lý, kỹ thuật trồng và chăm sóc ra sao?”.
Gần kề vườn cà phê với nhà anh Năm là vườn cà phê nhà anh Lò Văn Loan. Anh Loan đề cập: “Không chỉ riêng nhà tôi mà hàng chục hộ có đất vườn cây ăn quả và cà phê ở đây đều muốn biết, nếu đầu tư phát triển cây mắc ca thì làm gì để được hưởng chính sách hỗ trợ 15 triệu đồng/ha như Chính phủ đã thông báo, hay phải thành lập hợp tác xã để liên kết đủ diện tích 50ha thì mới được hưởng? Cây mắc ca đã trồng ở Sơn La cũng nhiều quả, nhưng quả không to lắm. Nghe nói nếu muốn được giá để xuất khẩu thì phải có quả to hơn và cần có nhà máy sơ chế, sấy khô, ướp gia vị hiện đại thì mới thành hàng hóa xuất ra nước ngoài? Vậy có cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nào có thể cùng hợp tác, liên kết và chỉ bảo giúp cho chúng tôi?”.
Nhiều nông dân ở Sơn La, Điện Biên khi được hỏi, cũng có cùng mong muốn được tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ hợp tác. Có người còn đề nghị nhà nước nên có thêm những ưu đãi cho các doanh nghiệp dũng cảm đi đầu khi đầu tư bài bản vào ngành mắc ca – lĩnh vực mới ẩn chứa nhiều rủi ro, nhưng tiềm năng lớn, hứa hẹn mang lại giá trị xã hội lớn cho Tây Bắc, Tây Nguyên.
Tìm kiếm bộ giống thích hợp cho từng vùng
Sự lo lắng về khâu sơ chế, cũng như kích cỡ hạt mắc ca thương phẩm mà anh Lò Văn Loan nêu ra đã từng được nhiều nhà khoa học như GS. Đinh Xuân Bá, GS. Hoàng Hòe, TS Nguyễn Trí Ngọc đề cập đến. Chia sẻ về vấn đề này trên góc độ thương mại, ông Lê Tùng Anh – Giám đốc sản xuất - phát triển sản phẩm và thương mại - thương hiệu DELIX, thuộc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Maccadamia quốc tế (IDMA) cho biết: “Đúng là vấn đề kích cỡ, chất lượng hạt mắc ca tiêu chuẩn cần được quan tâm ngay từ khi chọn giống, trồng cây và suốt cả quá trình chăm sóc. Nếu để đến khi thu hoạch quả mới quan tâm thì muộn. Bởi nếu nhân hạt mắc ca không đạt được đường kính nhân 18mm trở lên, tỷ lệ nhân đạt 33% hạt vỏ cứng, sau chế biến, độ ẩm hạt nguyên vỏ không đạt mức dưới 10%, thì dẫu nông dân Việt Nam làm ra sản lượng mắc ca nhiều nhất thế giới thì cũng không thể xuất khẩu được”.
“Các giống mắc ca của chúng tôi được đưa vào trồng đều đạt tỷ lệ sống trên 95% và 100% sai quả. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ và chia sẻ kinh cho các chủ trang trại, nông dân và sẵn sàng bao tiêu cho người trồng mắc ca. Hiện công ty đã tổ chức xây dựng mạng lưới thu mua và sơ chế tại các vùng, nguyên liệu trồng mắc ca; xây dựng nhà máy tại các khu vực gần thị trường tiêu thụ để chế biến các loại sản phẩm mắc ca thương hiệu Delix, với hơn 30 loại sản phẩm …”, ông Vũ Hoàng Phương - Tổng Giám đốc công ty IDMA cho biết.