Khát sắn nguyên liệu, doanh nghiệp buộc phải tăng giá thu mua
- Thứ năm - 14/11/2019 08:35
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhiều nhà máy ở khu vực Tây Ninh và Tây Nguyên bắt đầu bước vào sản xuất vụ 2019 - 2020, nhưng sản lượng củ sắn tươi nguyên liệu đầu vụ chưa ổn định.
Nhiều nhà máy nâng giá mua nhưng lượng sắn nhập cửa khẩu về không nhiều.
Tại Tây Ninh, giá sắn đã tăng nhẹ so với hồi cuối tháng 10. Nhiều nhà máy đã tăng mức giá mua thêm 70 - 130 đồng/kg, nâng mức giá sắn nguyên liệu lên 2.620 - 2.730 đồng/kg để thu hút sắn về. Tuy nhiên, số lượng xe nhập sắn từ Campuchia về các cửa khẩu Chàng Riệc, Xa Mát không nhiều.
Thêm vào đó, chất lượng sắn không cao do sắn đầu vụ có độ ẩm cao và độ trữ bột thấp. Độ ẩm sắn lên đến 18 - 19% nên nhiều kho phải phơi lại trước khi bán về nhà máy. Độ trữ bột cũng chỉ dao động quanh mức 26 - 28% khiến giá mua tại cửa khẩu giảm.
Theo Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), tuần đầu tháng 11/2019, giá sắn nguyên liệu trên cả nước nhìn chung vẫn ổn định ở mức thấp.
Cục xuất nhập khẩu ước tính, trong tháng 10, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 200.000 tấn.
Lũy kế 10 tháng năm 2019, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,89 triệu tấn, giảm 3,7% về lượng và giảm 3,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Giá xuất khẩu bình quân cũng giảm 12,6% so với cùng kỳ khi chỉ đạt 392 USD/tấn.
Mì đầu vụ có độ ẩm cao, độ trữ bột thấp và giá vẫn ổn định ở mức thấp.
Theo Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), 9 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc nhập khẩu 4,22 triệu tấn sắn lát và tinh bột sắn, giảm 22% về lượng so với cùng kỳ năm 2018.
Thái Lan, Việt Nam, Capuchia và Lào là các thị trường cung cấp sắn lát và tinh bột sắn chính cho Trung Quốc. Tuy nhiên, trong thời gian này, Trung Quốc tăng nhập khẩu từ các thị trường Capuchia và Lào nhưng lại giảm nhập từ Thái Lan (giảm 26,6%); Việt Nam (giảm 7,2%).
Được biết, trong tháng 11, Bộ NN&PTNT sẽ có kế hoạch trao đổi với phía Trung Quốc về việc Tổng cục Hải quan nước này chậm cập nhật danh sách 89 đơn vị đăng ký xuất khẩu sản phẩm sắn trong đợt tháng 9.
Đến nay, vẫn chưa có thông tin gì về việc cập nhật. Hiệp hội Sắn Việt Nam đánh giá, điều này đã gây ra những khó khăn nhất định đối với các doanh nghiệp có tên trong danh sách khi xuất khẩu Trung Quốc. Hiện tại, nhu cầu thu mua từ nước này vẫn chưa tăng cao.
Nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc vẫn rất thấp
Trước đó, Hiệp hội Sắn Việt Nam cũng đã gửi đề nghị cung cấp thông tin về thị trường Ấn Độ như một giải pháp tìm kiếm thêm thị trường mới, giảm bớt lệ thuộc vào Trung Quốc.
Ông Bùi Trung Thướng, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết: Ấn Độ vừa là nước sản xuất, xuất khẩu song cũng đang nhập khẩu tinh bột sắn từ nhiều nước.
Ấn Độ có dân số đông với 1,3 tỷ dân, nhu cầu sử dụng tinh bột trong bữa ăn hàng ngày lớn, yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa không quá khắt khe. Đây là thị trường tiềm năng cho hoạt động xuất khẩu tinh bột sắn và các sản phẩm từ sắn.
Tuy nhiên nước này cũng áp mức thuế nhập khẩu khá cao (68%) để hạn chế lượng tinh bột sắn nhập khẩu vào nội địa. Vì thế, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ khuyến nghị Hiệp hội và các thành viên nên tìm hiểu nhiều hơn thông qua các hội chợ để nắm bắt tình hình thực tế, qua đó tìm kiếm cơ hội và đối tác kinh doanh.
Theo Nguyễn Vy/danviet.vn
http://danviet.vn/nha-nong/khat-san-nguyen-lieu-doanh-nghiep-buoc-phai-tang-gia-thu-mua-1031979.html