Khép kín quy trình quản lý sâu bệnh

Những cánh đồng lúa hữu cơ Quế Lâm (Tập đoàn Quế Lâm) vào thì con gái mơn mởn màu xanh nõn chuối đặc trưng, khóm nào khóm nấy chắc nịch, vươn dài khỏe khoắn. Nhờ làm tốt công tác quản lý sâu bệnh từ đầu vào nên đến thời điểm này, lúa Quế Lâm vẫn an toàn với các loại sâu bệnh gây hại…

Vụ xuân 2014, thôn Hà Phong, xã Kỳ Phong (Kỳ Anh) có tổng diện tích canh tác 60 ha thì có đến gần một nửa sản xuất lúa DT 39 Quế Lâm. Sau hơn 2 tháng, hiện nay lúa đang bước vào thời kỳ cuối của đẻ nhánh, chuẩn bị đứng cái, làm đòng. Nhìn đồng lúa trải rộng cả 27 ha mà vẫn đều tăm tắp, ai cũng phải tấm tắc. Dẫn chúng tôi tham quan vùng sản xuất cánh đồng mẫu, ông Võ Tiến Thạch - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Phong phấn khởi: “Đã bước vào năm thứ 3 sản xuất lúa hữu cơ liên kết với Tập đoàn Quế Lâm nên vùng đất canh tác đã được cải tạo đáng kể, tạo chất dinh dưỡng nuôi cây nên lúa sinh trưởng rất khỏe, chống chịu được nhiều loại sâu bệnh gây hại. Quan trọng hơn, bà con nông dân đã quen với quy trình canh tác lúa hữu cơ, việc quản lý, giám sát dịch bệnh vì thế cũng thuận lợi hơn”.

Khép kín quy trình quản lý sâu bệnh
Sản phẩm gạo hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm

So với ruộng đối chứng, cây lúa canh tác theo phương thức hữu cơ có chiều cao vượt trội, thân mập mạp, tán lá lớn, tỏa rộng, còn bộ rễ thì lớn bám chặt vào đất. Theo kinh nghiệm của người nông dân thì đây là những cây lúa khỏe, có khả năng miễn dịch với các loại bệnh dịch. Có lẽ bởi thế mà giữa lúc bà con nông dân một số vùng lân cận đang đau đầu với bệnh đạo ôn tấn công thì cánh đồng này vẫn mơn mởn xanh non. Bà Nguyễn Thị Yên, một hộ dân trong vùng sản xuất cho biết: “Gia đình tôi có 8 sào thì 5 sào tham gia cánh đồng mẫu giống DT 39. Từ ngày gieo hạt đến nay đã gần 70 ngày, lúa sinh trưởng khỏe và chưa xuất hiện sâu bệnh. Điều chúng tôi yên tâm là ở mỗi thời điểm sinh trưởng của lúa, Ban chỉ đạo sản xuất lúa hữu cơ Quế Lâm của thôn sẽ thông báo qua loa phát thanh về cách chăm sóc, bón từng loại sản phẩm vi sinh”. Sử dụng đúng cách các loại phân bón, đúng thời điểm và đồng loạt vừa làm tăng hiệu quả sinh trưởng của lúa, vừa phòng trừ được sâu bệnh.

Điều đặc biệt, Tập đoàn Quế Lâm thực hiện chế độ trả lương cho tổ sản xuất (thôn trưởng, bí thư chi bộ và một hộ nông dân hoặc HTX). Đội ngũ này có trách nhiệm theo dõi thường xuyên quá trình sinh trưởng, sâu bệnh của lúa, chỉ đạo sản xuất đúng quy trình liên kết và báo cáo theo định kỳ với Tập đoàn. Ông Trần Văn Sơn, nhân viên thị trường Công ty TNHH MTV Quế Lâm Miền Trung (Tập đoàn Quế Lâm) cho biết: “Ngoài cán bộ giám sát thường xuyên, ở mỗi thời điểm quan trọng hoặc có diễn biến sâu bệnh, Tập đoàn cử cán bộ kỹ thuật về bám sát cơ sở, hướng dẫn, chỉ đạo bà con sử dụng các sản phẩm vi sinh phòng trừ sâu bệnh kịp thời, hiệu quả, đồng loạt. Bên cạnh đó, phải nói rằng, việc sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn, liền vùng đã tạo thuận lợi cho công tác phòng trừ sâu bệnh”.

Hiện nay, mô hình sản xuất lúa hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm được thực hiện tại 2 điểm: Hà Phong, Kỳ Phong (Kỳ Anh) và Yên Hồ (Đức Thọ) với tổng diện tích hơn 34 ha. Đến thời điểm này, ở cả 2 vùng sản xuất này đều an toàn với sâu bệnh. Chị Nguyễn Thị Tình, hộ sản xuất tại HTX Nông nghiệp Yên Phúc - Yên Hồ cho biết: “Không sử dụng thuốc BVTV hóa học, mặc dù nông dân phải mất công làm cỏ, nhưng sâu bệnh thì yên tâm. Khác với ở Hà Phong, chúng tôi sử dụng giống địa phương là P6 (trà xuân trung), qua theo dõi, cùng sử dụng giống P6 như nhau nhưng trong vùng sản xuất lúa hữu cơ sử dụng phân bón Quế Lâm chưa xuất hiện sâu bệnh, còn nhiều chân ruộng khác lại bị nhiễm đạo ôn nặng”.

Theo baohatinh.vn